(Tổ Quốc) - Các nền kinh tế lớn có tới 40% số công dân được tiêm vắc xin.
Hiện tại, đã có đủ vắc xin để tiêm đủ cho 5% dân số toàn cầu nhưng sự phân bổ đang bị lệch. Hầu hết vắc xin được chuyển đến những nước giàu có nhất. Cụ thể, 40% vắc xin chống Covid-19 được chuyển đến tay 27 nước giàu có, chiếm 11% dân số toàn cầu. Thực tế, các nước giàu đang phổ cập vắc xin nhanh gấp 25 lần so với các quốc gia thu nhập thấp.
Dữ liệu của Bloomberg về tiêm chủng Covid-19 cho thấy 726 triệu liều vắc xin được tiêm ở 154 quốc gia. Tuy nhiên, con số này không đều. Ví dụ, Mỹ chiếm 24% tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới nhưng chỉ chiếm 4,3% dân số toàn cầu. Trong khi đó, Pakistan chỉ chiếm 0,1% tỷ lệ tiêm vắc xin dù chiếm 2,7% dân số thế giới.
Thực tế, sự bất cân bằng trong phân phối vắc xin chống Covid-19 đã được cảnh báo từ lâu. Ngay từ quá trình nghiên cứu, các nước giàu đã đặt cọc rất lớn cho hàng tỷ liều vắc xin. Thậm chí, số vắc xin họ mua còn gấp nhiều lần so với nhu cầu của chính mình.
Mỹ tham vọng tiêm vắc xin cho 75% dân số trong vòng 3 tháng tới. Trong khi đó, gần một nửa số quốc gia toàn cầu có tỷ lệ tiêm vắc xin chưa tới 1% dân số. Con số này chưa tính tới 40 quốc gia nghèo nhất thế giới mà chưa công khai dữ liệu tiêm chủng. Nhóm này chiếm 8% dân số toàn cầu.
Các nước giàu bỏ xa phần còn lại của thế giới trong việc tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Thực tế, không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo phân phối vắc xin công bằng trên toàn thế giới. Trong khi Mỹ, Anh và các nước phát triển khác bị chỉ trích vì độc chiếm vắc xin, Trung Quốc lại nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm vắc xin trong nước, Bắc Kinh cũng sẵn sàng xuất khẩu vắc xin sang các nước nghèo. Thậm chí, nhiều lô vắc xin là hàng viện trợ miễn phí.
Tuy nhiên, vắc xin Trung Quốc vẫn đang bị nghi ngờ vì nhà chức trách nước này không công bố kết quả thử nghiệm.
Trong khi đó, châu Phi lại một lần nữa xếp cuối bảng xếp hàng vì rất ít người được tiêm chủng. Trong số 54 quốc gia châu Phi, chỉ có 3 nước đạt tỷ lệ tiêm chủng là 1% dân số. Hơn 20 quốc gia trong nhóm này thậm chí còn chưa biết tới vắc xin là gì.
Ngay cả những nước giàu cũng xảy ra tình trạng mâu thuẫn. Liên minh châu Âu (EU), nơi sản xuất ra một lượng vắc xin khổng lồ, lại đang mẫu thuẫn với Vương quốc Anh khi quốc gia này được ưu ái quá nhiều. Thậm chí, các nhà lãnh đạo châu Âu còn họp bàn và tính tới việc cấm các công ty dược phẩm xuất khẩu vắc xin ra khỏi khu vực này.
Đối với các nước nghèo, việc đạt được miễn dịch cộng đồng là quá xa vời nếu chỉ trông chờ vào vắc xin từ Tổ chức Y tế Thế giới phân phối. Đòi hỏi cấp thiết nhất ở thời điểm hiện tại là tự chủ vắc xin. Với cách Nga và Trung Quốc đưa vắc xin tự sản xuất vào áp dụng đại trà, các nước nghèo có thể học theo để phát triển vắc xin của chính mình.
Linh Anh