(Tổ Quốc) - Trong năm qua, lượng nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc của nhà đầu tư trên toàn cầu đã tăng khoảng 40%, lên hơn 800 tỷ USD. Giới đầu tư đã mua tài sản với tốc độ kỷ lục, bất chấp căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế.
Việc nhà đầu tư toàn cầu tiếp cận với thị trường Trung Quốc diễn ra bất chấp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Hai bên đã mâu thuẫn trong một thời gian dài về các vấn đề từ kiểm toán doanh nghiệp cho đến Tân Cương.
Ngoài ra, xu hướng này cũng diễn ra ở thời điểm Bắc Kinh trấn áp hoạt động niêm yết của các công ty trong nước tại thị trường vốn của Mỹ. Giới chức nước này đã thực hiện một cuộc điều tra về bảo mật dữ liệu với Didi Chuxing chỉ vài ngày sau khi công ty này thực hiện thương vụ IPO 4,4 tỷ USD.
Theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bloomberg, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 35,3 tỷ USD cổ phiếu trong năm nay, thông qua các nền tảng giao dịch liên kết Hồng Kông với các sàn ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Con số này cao hơn khoảng 49% so với 1 năm trước đó.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua hơn 75 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Trung Quốc trong năm nay, theo số liệu từ from Crédit Agricole. Con số này tăng 50% so với 1 năm trước đó.
Lượng mua ròng cổ phiếu Trung Quốc của khối ngoại trong các năm (tỷ USD).
Tốc độ mua trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc của khối ngoại cũng tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, so với các giai đoạn tương ứng trong những năm trước. Tâm lý ưa chuộng tài sản Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi sự hồi phục nhanh chóng của quốc gia này hậu đại dịch, nhưng mối lo ngại về việc đà tăng trưởng chậm lại đang dần xuất hiện.
Andy Maynard – trader ngân hàng tại China Renaissance, cho biết: "Trái ngược với những vấn đề về địa chính trị, thì từ quan điểm của nhà quản lý tài sản, bạn không thể không thấy thị trường Trung Quốc rất hấp dẫn."
Trong những năm gần đây, dòng vốn chảy vào thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh, một phần là nhờ tài sản định danh bằng đồng CNY được đưa vào các chỉ số chứng khoán và trái phiếu lớn. Theo đó, các tài sản này được theo dõi bởi khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Hồi tháng 3, FTSE Russell đã trở thành nhà cung cấp chỉ số mới nhất xác nhận kế hoạch đưa trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào chỉ số theo dõi trái phiếu toàn cầu. Nomura dự báo, bước đi này sẽ giúp Trung Quốc thu hút hơn 130 tỷ USD.
Theo tính toán của FT, dòng vốn đầu tư vào trái phiếu trong năm nay đã đưa tổng lượng nắm giữ của khối ngoại lên khoảng 3,7 nghìn tỷ CNY (578 tỷ USD). Hơn nữa, tính đến ngày 14/7, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 1,4 nghìn tỷ CNY (228 tỷ USD) trái phiếu trong nước thông qua liên kết thị trường với Hồng Kông, không bao gồm các chương trình đầu tư nước ngoài khác. Theo đó, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 806 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc thông qua các kênh này, tăng từ mức 570 tỷ USD ở 1 năm trước.
Xu hướng đầu tư thay đổi từ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang giá trị cũng mang lại lợi thế cho thị trường đại lục. Các nhà phân tích cho biết, cổ phiếu Trung Quốc giúp nhà đầu tư tiếp cận được nhiều hơn với những lĩnh vực khác ngoài công nghệ, ví dụ như các tập đoàn công nghiệp.
Hơn nữa, chứng khoán đại lục cũng được nhà đầu tư ưa thích trong bối cảnh cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang phải đối mặt với những đợt thắt chặt quy định của cơ quan quản lý.
Trên thị trường trái phiếu, Mansoor Mohi-uddin – nhà kinh tế trưởng tại NHTW Singapore, chỉ ra rằng trái phiếu chính phủ Trung Quốc có mức lợi suất hấp dẫn hơn so với Mỹ. Ông nói: "Khoảng cách là 1,5 điểm phần trăm."
Dòng tiền chảy vào thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng diễn ra đồng thời với sự hồi phục của đồng CNY. Điều này giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Tuần trước, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước. Điều này cũng thúc đẩy hoạt động mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc tại nước ngoài. Động thái trên dự kiến sẽ giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ CNY thanh khoản và đánh dấu sự kết thúc của nhiều tháng thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cắt giảm RRR là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Patrick Wu – trưởng bộ phận giao dịch các thị trường mới nổi châu Á tại Crédit Agricole, cho biết động thái này đã khiến nhiều nhà đầu tư trái phiếu quốc tế ngạc nhiên. Việc mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài thông qua Hồng Kông đã tăng lên sau khi RRR được cắt giảm.
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam