(Tổ Quốc) - Theo Allianz SE, khoảng 360 tỷ USD trong gói kích thích sẽ được chi tiêu cho nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 60 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, khi người dân Mỹ mua máy tính, thiết bị gia dụng và quần áo.
David Ni đang mong chờ một năm khởi sắc đối với công việc bán lốp xe ô tô tại Trung Quốc của mình, nhờ gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua.
Ni cho biết, người dân Mỹ nhận được 1.400 USD tiền hỗ trợ, theo đó nhu cầu tại Mỹ đang tăng mạnh. Ông hiện đang điều hành Jiangsu Siborui Import and Export Co. có trụ sở tại Nam Kinh (Trung Quốc). Công ty này mua lốp xe hợp kim nhôm cao cấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc và bán lại cho các nhà bán lẻ ở Mỹ.
Ông chia sẻ: "Người dân nhận được tiền hỗ trợ và họ sẽ đổ xô đi mua sắm." Ni dự đoán danh số bán hàng trong năm nay sẽ tăng hơn 30%.
Việc Mỹ thúc đẩy chính sách kích thích tài khóa sẽ mang đến tác động có sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Theo Allianz SE, khoảng 360 tỷ USD trong gói kích thích sẽ được chi tiêu cho nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 60 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, khi người dân Mỹ mua máy tính, thiết bị gia dụng và quần áo.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là giá hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sẽ tăng lên – khi vốn đã có mức giá cao hơn và khả năng mối căng thẳng giữa 2 nước sẽ leo thang do mất cân bằng thương mại.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi các nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico sẽ chịu tác động lớn nhất thì gói kích thích mới có thể thúc đẩy GDP của Trung Quốc thêm 0,5% trong năm tới. Bloomberg Economics ước tính rằng nhu cầu của Mỹ tăng 1% sẽ giúp GDP Trung Quốc tăng thêm khoản 0,08%.
Theo đó UBS đã nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 lên 16% từ mức 3,6% vào năm ngoái. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng 9% vào năm nay.
Theo kinh tế gia trưởng Wang Tao, việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chi tiêu mạnh vào việc tăng công suất, cho phép Trung Quốc duy trì mức đầu tư cao dù chi tiêu nhà nước cho cơ sở hạ tầng giảm bớt.
Trong khi đó, tại Mỹ, mối lo ngại về việc gói kích thích và nền kinh tế hồi phục có thể sẽ khiến lạm phát tăng cao đang bao trùm, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh vào những tuần gần đây. Nhập khẩu và giá xuất xưởng Trung Quốc đều tăng lên, theo đó người tiêu dùng Mỹ sẽ sớm phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa từ đại lục.
Ni cho biết các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc đang tăng giá do phí vận chuyện ở gần mức kỷ lục và giá kim loại cũng cao hơn trong thời gian gần đây. Ông nói: "Sản xuất ở Đông Nam Á vẫn chưa hồi phục. Do đó, các đơn đặt hàng sẽ ‘tìm đến’ các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Giá tiêu dùng ở Mỹ sẽ không tránh khỏi tình trạng tăng lên."
Ngoài ra, hoạt động thương mại bùng nổ cũng có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ nỗ lực nhiều hơn để hạn chế nhập khẩu trong dài hạn. Mục đích là giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc – yếu tố gây căng thẳng tại Washington trong nhiều năm.
Mark Sobel – cựu quan chức Bộ Tài chính, viết trong 1 bài bình luận hồi tuần trước: "Với những gì diễn ra từ trước đến nay tại Mỹ, có thể dễ dàng hình dung rằng tâm lý bảo hộ - bao gồm cả đối với lĩnh vực tiền tệ, có thể trở nên căng thẳng hơn. Ngay cả khi thâm hụt tài khoản vãng lai phần lớn gia tăng ở Mỹ, thì lịch sử cho thấy Washington vẫn không ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc."
Trong khi đó, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn cũng làm chậm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái cân bằng nền kinh tế, để giúp quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và ít hơn vào sản xuất công nghiệp. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ muốn thực hiện mục tiêu này trong vài năm nhưng lại đạt được rất ít tiến bộ. Hơn nữa, quá trình này đã gặp cản trở vào năm ngoái khi chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam