Bloomberg: Nếu ông Trump không muốn thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhiều người khác sẽ làm thay

(Tổ Quốc) - Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump đang để lại khoảng trống lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khắp thế giới.

Mỹ đang phải đối đầu với tình trạng khẩn cấp tồi tệ chưa từng có trong nhiều thập kỷ đồng thời đặt vai trò của ông chủ Nhà Trắng vào tình huống độc nhất vô nhị. Trong thời điểm mà thế giới tìm đến nước Mỹ như một điểm tựa như những gì nước Washington vẫn thể hiện trong vai trò lãnh đạo thế giới, ông Donald Trump lại đang khiến nhiều người cảm thấy thất vọng.

Trong khi ông Trump không thể hiện được như những gì người ta mong đợi, nhiều thị trưởng và thống đốc các bang ở Mỹ tăng cường hành động cũng như hợp tác để đối đầu đại dịch. Ở Washington, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra các giải pháp nhanh chóng và toàn diện để hỗ trợ hệ thống tài chính. Ngay cả ở Quốc hội Mỹ, dù đang như mớ bòng bong vì mâu thuẫn lưỡng đảng nhưng đã hành động nhanh chóng để đưa nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hệ thống chính phủ liên bang của Mỹ cho phép nó đủ sức mạnh để vận hành dù Tổng thống Trump đang làm gì. Tuy nhiên, với quốc tế, đó là một bức tranh khác. Việc nước Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu như những gì Washington cố gắng xây dựng nhiều thập niêm qua thực sự làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng, vốn luôn đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ để khắc phục.

Covid-19 là đại dịch toàn cầu, khiến cho mọi chính phủ đều phải liên kết để đối đầu. Thậm chí, mối liên kết ấy cần phải chặt chẽ như những đồng minh thực sự. Dẫu vậy, điều này dường như sẽ không xảy ra. Tài nguyên, bao gồm thông tin, tài liệu và các nghiên cứu khoa học đã không được sắp xếp theo thứ tự để tránh lãng phí và trùng lặp.

Kiểm soát xuất khẩu các thiết bị y tế thiết yếu cũng không được thảo luận và đồng thuận giữa các nước. Thay vào đó, các nước áp đặt chúng một cách đơn phương. Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan khác cần được coi là những tài sản toàn cầu quan trọng, có nhân lực và được tài trợ phù hợp. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã chỉ trích WHO và rút tiền tài trợ cho tổ chức này trong nỗ lực tìm người chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Mỹ.

Ông Trump đã không thể hiện được vai trò lãnh đạo trong điều phối các phản ứng toàn cầu trong cuộc khủng hoảng thổi bay nhiều nghìn tỷ USD và khiến rất nhiều người mất mạng, hoặc đỡ tồi tệ hơn là mất việc. Trước khi đại dịch xảy ra, một thị trường chứng khoán liên tiếp phá đỉnh của Mỹ đã che giấu những vấn đề sâu rộng trong nền kinh tế, bao gồm vốn đầu tư yếu, tốc độ tăng trưởng thấp và bất bình đẳng gia tăng. Những điều này trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các chính sách thuế của Nhà Trắng.

Nếu ông Trump tiếp tục tấn công hệ thống thương mại toàn cầu, sự phục hồi kinh tế sẽ rất chậm ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, khi Mỹ từ bỏ vai trò toàn cầu, rất nhiều Chính phủ khác có thể đứng lên để lấp đầy khoảng trống. Ví dụ, Liên minh châu Âu hay các nước thuộc CPTPP cũng như các khu vực khác đang nỗ lực hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau, lấp đầy những khoảng trống trong đại dịch.

Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh cùng các nước khác có thể hợp tác trong việc huy động nhóm G20 chung tay chống dịch. Trung Quốc có thể đóng vai trò cung cấp các khoản vay cũng như trang thiết bị cho các quốc gia đang phát triển. Tất cả các chính phủ này nhận ra rằng khi Nhà Trắng không mặn mà, họ cần phải bước lên và hành động nhanh chóng.

Các tổ chức phi chính phủ và các quỹ cũng cần phải làm nhiều hơn nữa. Các liên minh đang kết hợp các nỗ lực từ thiện, hợp tác doanh nghiệp và chính phủ để chống lại đại dịch. Quỹ Bill & Melinda Gates đang chi mạnh tay cho việc phát triển vắc xin và phương pháp điều trị cũng như viện trợ cho châu Phi và Nam Á.

Chính sự không để tâm của ông Trump với hợp tác quốc tế đã thúc đẩy việc hợp tác và đứng lên chống dịch của những bên khác. Tất nhiên, vai trò của Mỹ không thể được thay thế hoàn toàn. Tuy nhiên, trong thời chiến, nhất là cuộc chiến với kẻ thù vô hình, tất cả các bên cần chiến đấu với tất cả những gì họ có.

Ở thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã khiến 3.135.324 người nhiễm bệnh và 217.709 tử vong trên toàn thế giới. Dịch bệnh hiện đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với 1.035.240 ca nhiễm bệnh, Mỹ vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất trên thế giới và chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh sắp được kiểm soát.

Trái với mong đợi về sự hợp tác, Mỹ và nhiều nước phương Tây lại đang có bất đồng sâu sắc với Trung Quốc với cáo buộc quốc gia này đã "giấu dịch", khiến thế giới phản ứng không kịp thời với Covid-19. Thậm chí, nhiều quốc gia còn kiện Trung Quốc và đòi bồi thường. Về phần mình, Trung Quốc khẳng định họ minh bạch và bác bỏ mọi cáo buộc.

Linh Anh

Tin mới