(Tổ Quốc) - Những tháng ngày dẫn đầu đà tăng thị trường của cổ phiếu công nghệ lớn có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi quyết định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cùng các nhà hoạch định chính sách.
Ở phiên 17/9, Nasdaq 100 đã mất tới 2,8%, bị kéo tụt bởi đà giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn – vốn tạo ra sự hồi phục mạnh mẽ trong năm nay. Cơn bán tháo diễn ra sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cam kết giữ lãi suất ở mức thấp, cho đến khi lạm phát trung bình đạt mục tiêu 2%. Trong khi đó, ngân hàng trung ương cũng không đưa thêm bất kỳ chi tiết mới nào về kế hoạch mua trái phiếu.
Việc cơ quan này không đưa ra cam kết nới lỏng định lượng đã khiến cổ phiếu công nghệ rung lắc – trước đó đã được hưởng lợi từ lãi suất thấp chưa từng thấy cùng với việc người dân phải ở nhà do đại dịch.
Chi phí đi vay gần bằng 0 là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ mức định giá cao của lĩnh vực này, với tỷ số P/E của Nasdaq 100 vượt quá mức 40 trước đợt bán tháo gần nhất – chạm mức cao nhất kể từ năm 2004. Theo đó, Nasdaq đã tăng khoảng 58% so với mức thấp nhất trong tháng 3. Tuy nhiên, viễn cảnh về một đợt bán tháo mạnh đối với trái phiếu kỳ hạn dài đã khiến đà tăng đó hạ nhiệt.
P/E của Nasdaq 100 vượt mức 40 trước khi đà bán tháo xảy ra.
Dennis DeBusschere – chiến lược gia của Evercore ISI, viết trong một lưu ý: "Cuộc họp ngày hôm qua không hoàn toàn là rủi ro, bởi những động thái mới về việc nới lỏng định lượng vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng. Nhà đầu tư đã mong đợi về một chính sách có thể khiến đường cong lợi suất ổn định, nhưng lại là một động thái khiến nó dốc hơn."
Đà bán tháo ở phiên ngày hôm qua đã khiến mức sụt giảm trong tháng 9 của Nasdaq 100 lao dốc mạnh hơn, khi chỉ số này chuẩn bị ghi nhận mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 3. Lợi suất kho bạc 10 năm đã giảm khoảng 1 điểm cơ bả, khi nhà đầu tư bắt đầu "bắt đáy" sau những bất ổn đối với thị trường trái phiếu hôm 16/9.
Việc Fed nhiều lần lặp lại cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc chạm mức thấp chưa từng có đã khiến nhà đầu tư đặt cược giá lên đối với cổ phiếu công nghệ không màng đến những diễn biến tương tự như bong bóng dot-com. Ở thời điểm quả bong bóng được thổi phồng lên đến đỉnh điểm vào năm 2000, lợi suất trái phiếu đã giao dịch ở mức gần 6,8%, còn hiện tại là khoảng 0,68%.
Jim Paulsen – chiến lược gia trưởng tại Leuthold Group, nhận định: "Dù đà tăng hiện tại của cổ phiếu công nghệ thường được so sánh với thời kỳ dot-com, nhưng có 1 điểm khác biệt nổi bật. Giờ đây, diễn biến vượt trội của cổ phiếu công nghệ đang được thúc đẩy trong thời gian dài bởi lợi suất trái phiếu."
Những yếu tố trên có thể sẽ thay đổi nếu Fed thành công trong việc kiểm soát lạm phát – vốn đã liên tục không đạt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Vào tháng trước, Fed đã công bố một khuôn khỏ chính sách dài hạn mới, cho phép lạm phát tăng cao hơn, trong nỗ lực bù đắp những mục tiêu không đáp ứng được trong quá khứ. Trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu rằng họ sẽ giữ lãi suất ở gần mức 0 trong 3 năm để đạt được mục tiêu trên.
Trong khi đó, lạm phát và lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao là một "liều thuốc độc" đối với ngành công nghệ. Lĩnh vực này được coi là có tính chất nhạy cảm đặc biệt với diễn biến của lãi suất. Nguyên nhân là bởi các công ty này thường phát triển rất nhanh chóng, có xu hướng đi vay tiền mặt để thúc đẩy sự tăng trưởng đó và triển vọng lợi nhuận trong thời gian dài.
Dẫu vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên liên tục có thể khiến lượng tiền mặt của nhà đầu tư chuyển hướng sang các công ty có định hướng về giá trị hơn, theo JPMorgan. Phil Camporeale – giám đốc điều hành mảng giải pháp đa tài sản của ngân hàng này, cho biết: "Trái phiếu kho bạc 10 năm đã thúc đẩy rất nhiều thứ, phần lớn điều này ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ trong một thời gian dài. Nếu bạn chứng kiến một môi trường mà lãi suất kho bạc tăng hơn, thì đó là thực sự là môi trưởng duy nhất mà chúng tôi nhận thấy sự luân chuyển bền vững từ sự tăng trưởng đến giá trị.
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam