(Tổ Quốc) - Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, cổ phiếu 4 công ty công nghệ - Tencent, Alibaba, Baidu và NetEase, đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng 12 tháng là 23 lần. Trong khi đó, năm 2018, mức này chỉ là 19 và 18 vào tháng 3/2020.
Nhóm nhà đầu tư "săn lùng" lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ nghĩ lại trước đổ tiền vào cổ phiếu công nghệ đang rớt giá tại đây. Dù lĩnh vực công nghệ đồng loạt tăng điểm ở phiên ngày hôm nay sau đợt bán tháo khiến 732 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay, thì những diễn biến trong quá khứ cho thấy đà giảm vẫn chưa dừng lại.
Tencent Holdings Ltd., Alibaba Group Holding Ltd., Baidu Inc. và NetEase Inc. là một trong số những công ty công nghệ gia nhập thị trường đại chúng sớm nhất. Nhóm này hiện vẫn giao dịch cao hơn mức đáy của 2 đợt sụt giảm mạnh vừa qua.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, 4 cổ phiếu công nghệ này đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng 12 tháng là 23 lần. Trong khi đó, năm 2018, mức này chỉ là 19 và 18 vào tháng 3/2020.
Sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào tháng 2, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đồng loạt lao dốc trong những tuần gần đây do ảnh hưởng của lãi suất tăng và giới chức Trung Quốc có động thái chính sách gắt gao hơn. Đối với Kenny Wen – chiến lược gia quản lý tài sản tại Everbright Sun Hung Kai Co., hiện vẫn còn quá sớm để kết luật đà giảm đã kết thúc ngay cả khi một số nhà đầu tư đã "lên thuyền".
Cổ phiếu 4 công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đồng loạt bị bán tháo.
Wen cho hay: "Hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Lợi suất trái phiếu có thể tiếp tục tăng cao. Bắc Kinh có khả năng sẽ đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt hơn và việc các cổ phiếu công nghệ bị hủy niêm yết tại Mỹ là một kịch bản có thể xảy ra."
Những bản báo cáo tài chính mới công bố dù có kết quả khả quan cũng không thể vực dậy tinh thần cho nhà đầu tư. Cổ phiếu Tencent giảm 2,8% ở phiên 25/3 dù kết quả kinh doanh đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, các công ty môi giới bao gồm Goldman Sachs, Macquarie và HSBC đều hạ giá mục tiêu đối với công ty lớn nhất châu Á trong ít nhất 1 năm. Cổ phiếu Xiaomi cũng rớt điểm mạnh dù lợi nhuận tăng vọt.
Chỉ số công nghệ Hang Seng Tech Index đã giảm 26% từ mức đỉnh hồi tháng 2, trong khi Hang Seng Index tại Hồng Kông mất 10%. Nhà đầu tư đại lục – vốn chiếm khoảng 40% doanh thu từ cổ phiếu của Tencent trong năm nay, đã bán ròng cổ phiếu này trong 2 ngày qua. Lượng mua các cổ phiếu bluechip công nghệ khác – bao gồm cả Xiaomi và Meituan, cũng sụt giảm.
Jackson Wong – giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital Ltd., cho hay: "Tôi vẫn giữ tâm lý thận trọng và chọn lọc trong việc chọn mua các cổ phiếu công nghệ đó. Đó là bởi chúng tôi vẫn chưa xác nhận đây là sự hồi phục thực sự hay chỉ là ngắn hạn. Triển vọng vẫn chưa chắc chắn."
Trong tuần này, các nhà phân tích của Credit Suisse đã đưa ra khuyến nghị "bán" đối với chứng khoán Trung Quốc. Ngân hàng này cho biết thị trường đại lục có khả năng chịu áp lực rút vốn lớn hơn các nơi khác. Đây là lần hạ khuyến nghị thứ 2 của Credit Suisse đối với thị trường Trung Quốc trong vòng 5 tuần.
Li-Giang Liu – giám đốc điều hành và kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại Citigroup, viết trong một báo cáo tháng này: "Việc Trung Quốc rút lại các biện pháp kích thích vẫn là một trong những bất ổn quan trọng nhất đối với sự hồi phục của quốc gia này và cả thị trường tài chính trong thời gian tới."
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam