(Tổ Quốc) - Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga đã ngăn khối này áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Moscow như một phần của các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Điện Kremlin.
Đức đã dành một số lời khuyên cho Nga: Hãy nghĩ về hậu quả của việc yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng rúp.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các quốc gia "không thân thiện" sẽ phải thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp. Phát ngôn của ông Putin được coi là nhằm vào châu Âu, Mỹ và các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tuyên bố này cũng khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng và giá đồng rúp tăng sốc.
Bằng cách yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Nga chứ không phải đồng đô la hay euro như đã ký trong hợp đồng, Tổng thống Putin đang tìm cách nâng cao giá trị đồng rúp. Sau chiến sự của Nga tại Ukraine, đồng rúp đã liên tục lao dốc. Kể từ ngày 24/2, đồng đô la Mỹ đã tăng gần 13% so với đồng rúp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng ông sẽ không tuân theo những yêu cầu của Nga. Trao đổi với phóng viên Annette Weisbach của CNBC hôm 28/3, ông nói: "Chúng tôi hoàn toàn phản đối bất kỳ hình thức đe doạ nào. Các hợp đồng này dựa trên đồng euro và đồng đô la Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các công ty khu vực tư nhân thanh toán cho Nga bằng đồng euro hoặc đồng đô la".
Ông nói thêm: "Nếu ông Putin không sẵn sàng chấp nhận điều này, ông ấy có thể bắt đầu suy nghĩ đến những hậu quả".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước cho biết việc thanh toán dầu bằng đồng rúp sẽ vi phạm các hợp đồng. Các quan chức Ý cũng cho biết họ sẽ không thanh toán bằng đồng rúp vì làm như vậy sẽ giúp Nga tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này sẽ không nhượng bộ: "Đây sẽ là một quyết định đơn phương và rõ ràng vi phạm hợp đồng, và nó sẽ là một nỗ lực để lách các lệnh trừng phạt".
Tuy nhiên, căng thẳng về các khoản thanh toán trong tương lai có thể làm gián đoạn dòng chảy khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu. Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Đối với một số quốc gia châu Âu, con số này thậm chí còn cao hơn. Đặc biệt là Hungary, quốc gia có 95% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2020.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga đã ngăn khối này áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Moscow như một phần của các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Nhà Trắng đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ có những kế hoạch lớn để thay đổi cách tiếp cận đối với năng lượng của Nga và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Đầu tháng này, một kế hoạch được đưa ra đã đề xuất cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trước khi kết thúc năm 2022.
Bộ trường Lindner nói: "Chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp. Chúng tôi đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga. Và nếu ông Putin quyết định cắt giảm nguồn cung của mình, chúng tôi cần phải nhanh hơn nữa để độc lập khỏi Nga".
Châu Âu hiện đang tranh giành nguồn năng lượng từ các khu vực khác. Chẳng hạn như Mỹ hôm 25/3 đã công bố một thoả thuận mới với Liên minh châu Âu để cung cấp 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trong năm 2022.
Nguồn: CNBC
Khánh Ly