(Tổ Quốc) - Jonathan Golub – giám đốc chiến lược đầu tư chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse, cho biết: "Trong mùa báo cáo tài chính tới đây, phần lớn sự bất ổn vốn ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư sẽ không còn nữa. Nếu chúng ta có 1 quý khả quan, những trở ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận thị trường sẽ được loại bỏ."
Lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn cầu hầu hết vượt mức dự báo trong quý III, được thúc đẩy một phần không nhỏ bởi việc cắt giảm chi phí và tâm lý lạc quan đang tăng lên rằng động lực tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục vào năm 2021, dù những khó khăn trước mắt sẽ gây cản trở nhiều hơn.
Trong năm nay, các doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí để ứng phó với tình trạng nền kinh tế ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, nhiều việc làm đã bị mất và chi tiêu vốn sụt giảm. Khi gặp khó khăn trong việc bán ra hàng hóa và dịch vụ, các công ty phải cắt giảm chi phí bán hàng và quảng cáo, trong khi hoạt động đi lại bị hạn chế do nhiều người phải làm việc tại nhà.
Kết quả là, nhiều công ty từ Mercedes Benz cho đến nhà sản xuất xe máy Harley-Davidson và tập đoàn Sony đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên về kết quả kinh doanh của họ. Trong khi lợi nhuận nhìn chung ghi nhận sự sụt giảm ở châu Âu, Mỹ và châu Á, thì mức giảm lại không lớn như lo ngại và giá cổ phiếu vẫn tăng ổn định.
Peter Garnry – trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán tại Saxo Bank, cho hay: "Tôi cảm thấy khá lạc quan rằng mức lợi nhuận cao kỷ lục sẽ quay trở lại vào khoảng giữa năm sau. Điều này được thúc đẩy bởi gói kích thích tài chính, tiền tệ lớn, 2021 sẽ là một năm tốt đẹp hơn nhiều."
Dữ liệu từ Bloomberg Intelligence cho thấy 64% công ty trong MSCI Europe Index đã ghi nhận lợi nhuận vượt ước tính trong quý III, dù chỉ 46% vượt về doanh thu. Lợi nhuận giảm 22% so với dự kiến, có mức cải thiện lớn hơn so với mức giảm 62% trong quý II.
Tại Mỹ, tỷ số EPS của các công ty trong S&P 500 giảm 8,6%, khả quan hơn so với mức 21,5% được dự báo trước đó. Ở Nhật Bản, 59% doanh nghiệp trong Topix có lợi nhuận vượt ước tính, trong khi tỷ lệ ở các quốc gia châu Á khác là 56%, theo JPMorgan.
Trong khi đó, triển vọng đối với thị trường chứng khoán cũng có phần "tươi sáng" hơn trong những tuần gần đây. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã có kết quả gần như rõ ràng và thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19 đã thúc đẩy kỳ vọng rằng tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế sẽ sớm kết thúc.
Jonathan Golub – giám đốc chiến lược đầu tư chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse, cho biết: "Trong mùa báo cáo tài chính tới đây, phần lớn sự bất ổn vốn ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư sẽ không còn nữa. Nếu chúng ta có 1 quý khả quan, những trở ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận thị trường sẽ được loại bỏ."
Dẫu vậy, thị trường sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trước mùa báo cáo tài chính mới diễn ra. Hiệu quả của đợt phong tỏa mới sẽ được phản ánh trong quý IV, đây là một khoảng thời gian sẽ được so sánh với đợt ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trước khi Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, kỳ vọng đối với khoảng thời gian này có thể cao hơn, sau khi những con số gây bất ngờ vừa được công bố.
Imran Sattar – nhà quản lý quỹ tại Majedie Asset Management, nhận định: "Có thể nói, lý do chính giúp lợi nhuận doanh nghiệp vượt dự báo là do họ đang lên kế hoạch cho doanh thu bằng 0."
Stephane Monier – CIO tại Banque Lombard Odier & Cie, cho hay: "Các nhà phân tích đang nhận định thêm khi mọi việc đang diễn ra và vẫn còn thận trọng trong quý III. Họ mong muốn sẽ không lặp lại sai lầm tương tự nữa."
Đối với các doanh nghiệp, có những giới hạn rõ ràng về việc họ có thể cắt giảm chi tiêu ở mức nào. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu kết quả kinh doanh vượt dự báo, do cắt giảm chi phí thay vì tăng trưởng doanh thu, sẽ bền vững đến mức nào.
Hãy nhìn vào lĩnh vực sản xuất ô tô. Theo Tom Narayan – nhà phân tích tại RBC Capital Markets, các nhà sản xuất ô tô Ford Motor, BMW, Volvo và nhà cung cấp phụ tùng Continental đã có kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi, phần lớn là do chi phí bán hàng thấp hơn và giảm chi tiêu cho hoạt động R&D. Khi mọi hoạt động hồi phục, họ sẽ phải tiếp tục chi tiêu những khoản đó.
Paul Markham – trưởng bộ phận chứng khoán toàn cầu tại Newton Investment Management, nhận định: "Trong một khoảng thời gian, bạn có thể thử và kiểm soát lợi nhuận bởi có thể cắt giảm chi phí, nhưng khi tổng doanh thu không ngừng giảm thì đó thực sự là một vấn đề cơ cấu khó giải quyết. Nếu xét về những con số, thì quý IV sẽ có kết quả khá tồi tệ."
Tuy nhiên, trong một số ngành, dịch bệnh đã khiến một số công ty phải thay đổi triệt để. Ở lĩnh vực bán lẻ, các công ty buộc phải tăng tốc khả năng giao hàng và dịch vụ trực tuyến, cùng với đó là suy nghĩ lại về sự liên kết của họ đối với các cửa hàng vật lý tốn kém.
Đối với 1 số công ty, như H&M của Thụy Điển và Inditex của Tây Ban Nha, sự tập trung ngày càng tăng đối với việc nâng cao năng lực kinh doanh trực tuyến đã loại bỏ rất nhiều đối tác trung gian trong chuỗi cung ứng. Điều này đã giúp họ ổn định hơn và phù hợp hơn đối với hành vi của người tiêu dùng.
Tại Mỹ, 6 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý III. Ở châu Âu, chỉ có lĩnh vực công nghệ mới làm được điều này, theo JPMorgan. Có thể thấy, châu Âu đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong việc nâng dự báo lợi nhuận.
Theo các chiến lược gia của Bloomberg Intelligence, việc điều chỉnh ước tính lợi nhuận với doanh nghiệp Mỹ tăng lên đang tiến tới đà hồi phục hình chữ V và năm 2021. Tuy nhiên, điều này có thể gây tranh cãi cho thị trường chứng khoán. Các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết phản ứng đối với những con số trong mùa báo cáo tài chính tại châu Âu có phần tiêu cực.
Việc "giải mã" những lĩnh vực nào sẽ duy trì mức chi phí thấp và có lợi nhuận cao hơn có lẽ sẽ là đặc điểm nổi bật của năm 2021. Tuy nhiên, nhìn chung, lợi nhuận vẫn là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Theo Bloomberg Intelligence, lợi nhuận quý III đang giúp thị trường tránh khỏi những dự báo thận trọng và kỳ vọng hồi phục cho năm 2021 được nối lại.
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam