(Tổ Quốc) - Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, không một chiếc máy bay nào xuất hiện trên bầu trời Ukraine.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh cấm hàng không đang tạo ra những khu vực cấm bay khổng lồ trên bầu trời châu Âu. Điều này có thể gây ra những tác động lớn đối với các hãng hàng không đường dài, đặc biệt là những chuyến bay xuyên qua bầu trời Đông Âu trên đường đến châu Á.
Nếu châu Âu và Nga hồi sinh thời kỳ Chiến tranh Lạnh, điều này có thể gây ra hậu quả đáng kể cho hành khách, hãng hàng không và chi phí bay. Cho đến nay, Vương quốc Anh và Nga đã cấm máy bay của nhau bay ngang hoặc hạ cánh trên lãnh thổ của mình. Các lệnh cấm khác cũng lần lượt được thực hiện, với Ba Lan và Cộng hòa Séc đều hạn chế tiếp cận máy bay Nga.
Ngoài "đục một lỗ" trên bản đồ giao thông hàng không của Đông Âu, giao thông đường dài rất ít bị gián đoạn. Ngay cả máy bay Nga sử dụng không phận quốc tế trên Đại Tây Dương cũng không bị ảnh hưởng, mặc dù khu vực này được quản lý bởi các dịch vụ không lưu có trụ sở tại Anh.
Trong những ngày tồi tệ nhất của Chiến tranh Lạnh, muốn tránh được Khối Liên Xô thì phải bay về phía bắc vòng quanh Greenland đến Alaska, tiếp nhiên liệu ở Anchorage, và sau đó vòng qua eo biển Bering để đến Nhật Bản. Các chuyến bay đến Trung Quốc phải đi qua Biển Đen và Caucasus, tránh Afghanistan và đi vào Trung Quốc qua Trung Á.
Tác động của Covid-19 đối với các hãng hàng không thương mại vốn vẫn chưa hồi phục. Hành khách sẽ ngày càng hạn chế tại thời điểm này nếu một bên là Nga và một bên là Anh, Ba Lan và Cộng hòa Séc đều đưa ra lệnh cấm.
Chưa hồi phục sau Covid-19
Mikael Robertsson, người đồng sáng lập dịch vụ theo dõi máy bay Flightradar24, nói: "Do quy mô địa lý, chuyến bay của các hãng hàng không trên toàn thế giới đi qua không phận Nga mỗi ngày. Từ Vương quốc Anh, bình thường mỗi ngày có khoảng một chục chuyến bay đi qua Nga để đến những nơi như Hồng Kông và Ấn Độ".
"Từ các nước Liên minh châu Âu, có hàng trăm chuyến bay quá cảnh qua Nga mới đến được các nơi ở châu Á. Và từ Mỹ, hầu hết lưu lượng hàng hóa giữa Mỹ và châu Á đều đi qua ít nhất một phần nhỏ không phận của Nga", ông cho biết thêm.
Vào ngày 4/2, nhiều máy bay của Vương quốc Anh đã quá cảnh không phận Nga
Về dịch vụ bay, hãng hàng không chở khách duy nhất của Nga phục vụ Vương quốc Anh là Aeroflot. Hãng hàng không lớn nhất của Vương quốc Anh, British Airways, đã phục vụ Moscow trước chiến tranh. Công ty mẹ của BA, International Airlines Group, đã thông báo rằng các hãng hàng không của họ sẽ không bay qua không phận Nga.
Khi Nga bắt đầu triển khai kế hoạch quân sự, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã ban hành lệnh NOTAM (Thông báo cho các nhiệm vụ hàng không) cho các hãng hàng không của nước mình tránh hoạt động ở các khu vực bao gồm toàn bộ Ukraine, Belarus và các vùng phía tây của Nga.
Trong khi đó, mạng lưới châu Á của British Airways và Virgin Atlantic phần lớn vẫn chưa được khôi phục sau khi bị đình trệ vì đại dịch Covid-19. Biên giới của Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn tương đối khép kín đối với khách quốc tế vì lý do sức khỏe cộng đồng. Điều này khiến cho hoạt động của các hãng hàng không Vương quốc Anh vẫn còn hạn chế.
Các hãng hàng không chở hàng hóa lại hoàn toàn khác. Nhờ sự bùng nổ mua sắm trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu, cũng như các yêu cầu để ứng phó với đại dịch, các hãng vận chuyển hàng hóa như FedEx, UPS, Atlas, Kalitta, Western Global và một số hãng khác có thể thấy ngày càng phát triển mạnh.
Các hãng hàng không này thường xuyên bay qua Nga, nhưng cấu trúc mạng lưới đường bay của họ khác với các hãng hàng không chở khách. Họ có các chuyến bay ngắn hơn để tiết kiệm nhiên liệu và cho phép sử dụng các máy bay cũ hoặc tầm thấp hơn như Boeing 767, McDonnell-Douglas MD-11 và Boeing 747-400.
Chuyển hướng bắc nam
Các vấn đề chính đều bắt nguồn từ quyền bay trên không phận các nước. Hầu hết các chuyến bay chở khách giữa châu Âu và Đông Á hoặc Đông Nam Á đều lướt qua Nga do vị trí địa lý. Ví dụ, chuyến bay từ London đến Tokyo kéo dài từ 11 đến 12 giờ, thường bay qua Nga và các nước Bắc Âu.
Các chuyến bay từ Amsterdam, Paris và Frankfurt cũng đã quá cảnh không phận Nga vào ngày 4/2
Lựa chọn đầu tiên cho các hãng hàng không muốn tránh Nga là bay về phía nam, vòng qua Biển Đen và Caucasus trước khi bay qua Trung Á. Con đường này gần giống với các tuyến London-Ấn Độ-Hồng Kông trong Chiến tranh Lạnh thời kỳ hậu Liên Xô. Nếu đi qua Biển Đen, các chuyến bay sẽ kéo dài thêm khoảng hai đến ba giờ so với thời gian bay thẳng London-Tokyo, nhưng ngắn hơn một giờ so với đi qua Alaska.
Lựa chọn thứ hai là bay về phía bắc, qua Greenland và phía bắc Canada đến Alaska và eo biển Bering, cũng có thể tránh miền đông nước Nga. Đây là tình huống mặc định đối với các chuyến bay Anh-Nhật trong phần lớn thời Chiến tranh Lạnh, nhiều hãng hàng không bổ sung một điểm tiếp nhiên liệu ở Anchorage, Alaska, cho các chuyến bay giữa châu Âu và Đông Á.
Mỗi năm, Nga đã tính phí các hãng hàng không quốc tế hàng trăm triệu USD cho quyền bay quá cảnh. Lệnh cấm bay sẽ có tác động tài chính trực tiếp đối với các hãng hàng không, cũng như đối với Nga.
Addison Schonland, đối tác của công ty tư vấn AirInsight Group, giải thích: "Có hàng chục chuyến bay từ EU đến châu Á quá cảnh không phận Nga mỗi ngày. Tất cả đều là máy bay chở khách hai lối đi hoặc máy bay vận tải lớn. Điều này tạo ra khá nhiều doanh thu cho Nga".
Trong trường hợp chuyển hướng, Schonland nói: "Các nhà khai thác sẽ phải chịu nhiều chi phí do phải bay các tuyến kém hiệu quả kinh tế hơn và do đó, họ cũng có thể phải trả phí hàng không cao hơn".
Tham khảo CNN
Linh Chi