(Tổ Quốc) - Khi Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng năm 1893, J.P. Morgan cùng gia đình Rothschild đã hỗ trợ kho bạc 100 tấn vàng để giúp thị trường tài chính ổn định.
Khi John Pierpont Morgan đến Phố Wall, mọi thứ chỉ như một "mớ bòng bong" với tình trạng cạnh tranh lợi ích gay gắt và là một trong nhiều trung tâm tài chính vẫn đang chật vật với những tàn dư của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, khi ông rời khỏi Phố Wall, nơi đây lại trở thành một nhóm các doanh nghiệp lớn gắn bó chặt chẽ với nhau, dẫn đầu một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Phần lớn sự khởi sắc của Phố Wall hồi cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 được thúc đẩy bởi tầm ảnh hưởng của J.P. Morgan. Trong cuộc đời mình, ông đã đảm nhận rất nhiều vai trò: chủ ngân hàng, nhân viên tài chính và một vị anh hùng.
Sinh ra vào ngày 17/4/1837 tại Hartford (Connecticut), Morgan "đón nhận" rất nhiều dấu hiệu về tương lai trong ngành ngân hàng. Cha của ông – Junius Spencer Morgan, là đối tác của một ngân hàng khác được George Peabody điều hành. Ông Juninus từng chuyển từ Mỹ đến Anh để bán trái phiếu cho nhà đầu tư ở London. Trong số này, hầu hết là trái phiếu chính phủ và liên bang, với rủi ro cao hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ của châu Âu.
Sau khi nghỉ hưu, George Peabody đã để lại ngân hàng cho Junius quản lý, thậm chí còn rút hoàn toàn khỏi hoạt động kinh doanh. Năm 1864, J.S Morgan & Co. – ngân hàng Morgan đầu tiên được ra mắt. J.P. Morgan có 4 người con, 3 gái và 1 trai. Trong đó, người con trai đã làm đại diện cho công ty J. Pierpont Morgan & Company của cha tại New York từ năm 1860-1864. Với vai trò này, ông phát triển quan hệ với giới tài chính tại Mỹ và Anh - 2 cường quốc nắm giữ sức mạnh kinh tế và chính trị thế giới thời bấy giờ.
Năm 1870, J.P. Morgan cho Chính phủ Pháp vay tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Ottovon Bismarck, người lập nên đế chế Giéc-manh. Nhờ sự kiện này, J.P. Morgan trở thành tập đoàn đầu tiên tìm đến đối tác mới đầy tiềm năng đó là các chính phủ. Một số nguồn tin cho biết, nhà Morgan hỗ trợ tới 500 triệu USD cho chiến tranh ở châu Âu với lãi suất 1%.
J.P. Morgan bắt đầu đảm nhận vai trò thay cha sau vụ sáp nhập Drexel-Morgan. Thương vụ này đã mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng cường quan hệ quốc tế và bổ sung thêm nguồn vốn cho ngân hàng. Năm 1871, ông cùng gia đình Anthony Drexel ở Philadelphia thành lập Ngân hàng Drexel-Morgan tại New York. Drexel-Morgan hỗ trợ nhà đầu tư xây đường ray xe lửa vay những khoản tiền khổng lồ. Ngoài ra, thương hiệu này còn là chủ nợ của các tập đoàn công nghiệp lớn của Mỹ vào những năm 1880. Sau khi "người thầy" Anthony qua đời năm 1895, công ty đổi tên thành J.P. Morgan & Company.
Khi các tuyến đường sắt phát triển mạnh mẽ khắp châu lục, J.P. Morgan đã lựa chọn đúng thời điểm để mở rộng khối tài sản của ngân hàng lẫn quyền lực của chính mình. Năm 1869, công ty đã cạnh tranh khốc liệt để giành quyền kiểm soát Albany và Susquehanna Railroad - những cái tên có tiếng trong hoạt động phát triển và cung cấp tài chính cho ngành đường sắt Mỹ. Năm 1889, Morgan bắt đầu tham gia lĩnh vực hợp nhất các ngành công nghiệp, thành lập US Steel - công ty có giá trị tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Được mệnh danh là "Napoleon của Phố Wall", J.P. Morgan đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế non trẻ của Mỹ trở thành một cường quốc công nghiệp lớn mạnh nhất thế giới trong suốt nửa sau thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, ông đã thành lập những tập đoàn công nghiệp hùng mạnh và góp phần thay đổi trung tâm tài chính thế giới từ London sang New York.
Khi giá vàng lên xuống do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nam-Bắc Mỹ, J.P. Morgan rất quan tâm đến loại hàng hóa này. Nhờ nắm vững thông tin về cuộc nội chiến, ông đã liên hệ với một nhân viên điện tín để có thông tin nhanh hơn và từ đó có điều chỉnh thích hợp để mua/bán vàng. Sau khi tích lũy được khoản tiền lớn, thương hiệu J.P. Morgan lại càng trở nên quyền lực ở Phố Wall.
Khi Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng năm 1893, ông cùng gia đình Rothschild đã hỗ trợ kho bạc 100 tấn vàng để giúp thị trường tài chính ổn định. Vào thời kỳ đỉnh cao của thế kỷ 20, J.P. Morgan, Phố Wall và chính phủ ngày càng lo ngại về vị thế "một quốc gia mang nợ" của Mỹ. Phố Wall có niềm tin chắc chắn rằng cần phải có một đòng tiền tệ ổn định trước khi nước Mỹ thoát khỏi thời kỳ khó khăn. J.P. Morgan chính là người được Phố Wall cử đến Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề này với tổng thống.
Năm 2000 diễn ra một sự kiện nổi bật, đó là Tập đoàn Chase Manhattan ký kết hiệp ước sáp nhập với tập đoàn J.P.Morgan với một thỏa thuận trị giá 33 tỷ USD. Ngân hàng sáp nhập từ 2 tập đoàn khổng lồ này trở thành ngân hàng cho các nhà tài phiệt lớn của Mỹ. Thương vụ này diễn ra khi cả 2 tập đoàn muốn gia tăng tiềm lực để cạnh tranh với các đối thủ.
Hiện tại, J.P. Morgan là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với vốn hóa gần 350 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9/2020, JPMorgan Chase nắm giữ khối tài sản trị giá 3,24 tỷ USD, tăng 17,41% so với cùng kỳ năm trước.
Lục Lam