“Chia tay” Goldman Sachs và học theo Alibaba, cựu nhân viên ngân hàng chia sẻ 4 bí quyết để khởi nghiệp thành công

(Tổ Quốc) - Sau 6 năm làm việc cho Goldman Sachs với tư cách là một nhân viên ngân hàng đầu tư, Bjarke Mikkelsen vẫn cảm thấy cuộc sống chưa trọn vẹn.

"Dù lúc ấy cảm thấy rất thoải mái nhưng tôi lại giống như sống mà không có mục đích," anh nói với CNBC Make It.  

"Suy cho cùng, ai cũng chỉ có thể là một cố vấn trong lĩnh vực ngân hàng. Vậy nên, điều hành một doanh nghiệp đã trở thành điều mà tôi rất muốn thử. Tôi muốn làm một cái gì đó trong lĩnh vực công nghệ nhưng cũng có những khía cạnh liên quan đến vận hành vì tôi thích xây dựng mọi thứ." 

Những khát vọng đó đã đưa chàng trai 34 tuổi đến Pakistan, nơi anh đã xây dựng một sàn thương mại điện tử có tên Daraz. "Ý tưởng của tôi được truyền cảm hứng bởi Amazon và Alibaba, nơi bạn có 3 yếu tố: thị trường thương mại điện tử, hậu cần và hạ tầng thanh toán."  

Vào năm 2018, ba năm sau khi hoạt động kinh doanh bắt đầu, Daraz đã được Alibaba mua lại trong một thỏa thuận không được tiết lộ. Đây là một phần nỗ lực của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc nhằm mở rộng thị trường ở Nam Á. 

Daraz hiện đang hoạt động tại Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Myanmar và phục vụ đến 40 triệu khách hàng. Mikkelsen nói: "Một trong những điều tôi yêu thích nhất về thương mại điện tử là tính công bằng. Không quan trọng bạn là nam hay nữ, sống ở thành phố lớn hay nông thôn, bạn luôn có cơ hội để bắt trở thành một người mua hoặc người bán và có thể tiếp cận cùng một loại hình dịch vụ chất lượng." 

Theo Mikkelsen, điều này truyền cảm cho anh rất nhiều khi nó diễn ra ở một địa điểm đặc biệt như Nam Á - nơi mà không phải ai có thể dễ dàng tiếp cận.

Đây là bí quyết khiến người đàn ông 41 tuổi này có thể khởi nghiệp và tham gia vào "cuộc chơi" ở Nam Á. 

1. Thẩm định kỹ càng

Mikkelsen rời ngân hàng đầu tư vào năm 2015. Đây là thời điểm mà các công ty khởi nghiệp công nghệ đặc biệt được coi trọng. Việc có được tài trợ để bắt đầu làm gì đó đều rất dễ dàng. 

Tuy nhiên, anh nói rằng điều quan trọng là phải thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trong việc đánh giá các cơ hội và tìm kiếm khách hàng mục tiêu. "Tôi đã dành rất nhiều thời gian chỉ để nghiên cứu thị trường và tìm hiểu đâu mới là tiềm năng." 

"Tôi bắt đầu nhìn đến Nam Á nhận ra đó là một phần quan trọng của thế giới nhưng lại không có thương mại điện tử vào thời điểm đó. Nửa tỷ người đang sống ở Nam Á. Đó là một cơ hội khá lớn nhưng thường bị bỏ qua," Mikkelsen nói. 

Mikkelsen chuyển đến Pakistan và dành phần lớn thời gian trong 3 năm đầu tiên để đi đến các vùng nông thôn, tìm hiểu con người, văn hóa và nhu cầu của họ. "Nếu tôi cố gắng xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử trông giống như Amazon ở Đan Mạch thì coi như thất bại. Chúng tôi cần tăng thêm giá trị để tạo dựng một công việc kinh doanh có lãi," anh nói thêm.   

2. Hướng tới sự hoàn hảo 

"Đừng nghĩ rằng không cần phải nỗ lực hết sức để tung ra một sản phẩn tuyệt vời và xây dựng một dịch vụ tuyệt vời. 90% thực chất chẳng là gì cả. Hãy chỉ chấp nhận khi mọi thứ đã đạt đến 100%." 

Đó là điều mà anh đã học được theo cách không dễ dàng gì trong những ngày đầu gây dựng Daraz, khi anh không có kinh nghiệm trong việc xây dựng một trang web thương mại điện tử. "Tôi không biết mình đang làm gì. Chỉ có vài thứ là đạt 100% nên rất khó khăn vào thời điểm đó," anh nói. 

Theo Mikkelsen thì "dục tốc bất đạt", chậm lại chính là chìa khóa để đạt được sự xuất sắc. "Thương mại điện tử có nhịp độ rất nhanh và mọi người luôn phải chịu áp lực thực hiện dự án, mục tiêu hay chiến dịch tiếp theo. Nhưng điều tôi thực sự rèn luyện là làm chậm lại, tạm dừng và chắc chắn rằng mọi thứ vẫn đang ở mức độ tốt nhất." 

3. Không ngừng hoàn thiện và đổi mới

Mặc dù Daraz đang trên con đường dẫn đến lợi nhuận với tỷ suất lợi nhuận gộp dương, Mikkelsen nói rằng công việc vẫn chưa hoàn thành. 

"Tôi đã từng nghĩ rằng đến một thời điểm nào đó, khi chúng tôi trở thành một doanh nghiệp tỷ đô thì mọi thứ sẽ ổn định. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng ngay cả đối với Alibaba, đó sẽ là một cơ chế luôn phát triển," anh nói. 

"Mô hình kinh doanh của chúng tôi sẽ không bao giờ hoàn thiện. Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa và thay đổi cho phù hợp với các yếu tố ngoại ứng trên thị trường và cả các xu hướng mới."  

Trọng tâm tiếp theo của Mikkelsen là đảm bảo Daraz tiếp tục hoạt động hiệu quả. "Năm nay, chúng tôi có thể sẽ đạt tổng khối lượng hàng hóa khoảng 1 tỷ đô la, chúng tôi đang giảm tốc độ một chút để tập trung vào việc thu hút khách hàng phù hợp và xây dựng các đề xuất về giá trị khách hàng cho từng danh mục." 

4. Bơi hoặc chìm 

Lời khuyên cuối cùng mà Mikkelsen dành cho các doanh nhân là hãy tiếp cận cuộc hành trình của họ với tư duy "bơi hay chìm." 

"Tôi chỉ khuyến khích mọi người hãy cứ cố gắng và đừng sợ thất bại. Đôi khi bạn không thành công và như thế cũng không sao cả. Thường thì bạn sẽ học được cách phát triển rất tốt trong quá trình thực sự bắt tay vào làm việc," anh nói. 

Mặc dù việc chuyển từ lĩnh vực ngân hàng sang trở thành doanh nhân về công nghệ là điều "vô cùng đáng sợ," Mikkelsen không hề cảm thấy hối hận: "Đó là điều tuyệt nhất mà tôi đã làm cho chính mình."

Tham khảo CNBC

Minh Phương

Tin mới