(Tổ Quốc) - Theo 5 nguồn tin tiết lộ, không có dấu hiệu tiền gửi ngân hàng quốc tế bị rút khỏi Hồng Kông trong 2 tuần qua. Trong khi đó, 1 số công ty Trung Quốc đang thực hiện IPO tại đây. Dẫu vậy, Hồng Kông không hề "miễn nhiễm" với những tác động của sự leo thang trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với đó là sự kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Theo một doanh nhân ở Hồng Kông, cách tốt nhất để hiểu được vai trò của thành phố này trong hệ thống tài chính toàn cầu đó là cho rằng họ như một máy biến áp điện có thể kết nối hai mạch với các mức điện áp khác nhau. Một là hệ thống tài chính toàn cầu với dòng vốn tự do với thông tin và luật pháp mở. Mạch còn lại là hệ thống tài chính rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong 2 thập kỷ qua, khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Hồng Kông đã đóng vai trò "ở giữa" một cách khéo léo, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất sau New York và London. Phần lớn hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông đều được quy đổi theo đồng USD, vận hành bởi các công ty phương Tây và giám sát bởi những tòa án, cơ quan quản lý độc lập.
Khi gặp những điều kiện sai, máy biến áp có thể trở nên kém hiệu quả hơn hay thậm chí, trong tình trạng cực đoan, nó có thể nổ tung. Rủi ro này đang gia tăng đối với vị thế là trung tâm tài chính của Hồng Kông, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc can thiệt mạnh mẽ hơn vào hệ thống chính phủ và pháp lý. Ngày 28/5, Trung Quốc đã ban hành một đạo luật an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng khủng bố tại Hồng Kông. Nhằm đáp trả, Nhà Trắng đã đề xuất loại bỏ một số đặc quyền pháp lý mà Hồng Kông được hưởng – vốn giúp họ kết nối với nền kinh tế toàn cầu.
Kịch bản thứ nhất có thể xảy ra nhất đó là các thể chế tại Hồng Kông đối mặt với sự phân rã dần dần và không còn là trung tâm tài chính toàn cầu khi bị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn. Trung Quốc sẽ phải đón nhận một thị trường vốn kém hiệu quả hơn, tạo rủi ro cao hơn đối với với chi phí vốn của các công ty trong nước. Trường hợp xấu nhất là tính toán sai lầm có thể gây mất ổn định cho khoảng 10 nghìn tỷ USD dòng vốn đổ vào tại Hồng Kông. Điều này sẽ gây ra cú sốc trên khắp Trung Quốc và châu Á. Các giám đốc điều hành và giới chức thường gọi đây là hậu quả hạt nhân (nuclear outcome).
Đặc điểm của thị trường tài chính Hồng Kông
Có một đặc điểm thường được nhắc đến đó là TTCK Hồng Kông đã mang bản sắc đại lục nhiều hơn. Ví dụ, thị phần của các doanh nghiệp địa phương trong TTCK đã giảm từ 69% vào năm 2000 hiện xuống còn 24%. Một số công ty – ví dụ công ty của tỷ phú Lý Gia Thành và Jardine Matheson, đã đa dạng hóa thành công. Tuy nhiên, hầu hết đều mờ nhạt dàn và không có công ty Hồng Kông nào có vị thế mạnh mẽ ở đại lục.
Trong khi đó, thị phần của các công ty đại lục tại TTCK Hồng Kông đã tăng từ 31% lên 73%, với 9 trong 10 công ty giá trị nhất Trung Quốc đều niêm yết tại đây, trong đó có Tencent và Ping An. Nền kinh tế Trung Quốc không phụ thuộc vào vốn nước ngoài. Tuy nhiên, dựa trên số liệu phát hành cổ phiếu và trái phiếu định danh bằng USD, thì khoảng 2/3 khoản vốn xuyên biên giới mà họ huy động được đều thực hiện ở Hồng Kông.
Điều đáng chú ý là, ngay cả khi Hồng Kông trở nên "Trung Quốc hơn", thì cơ sở hạ tầng tài chính của họ vẫn tương tự như các nền kinh tế phương Tây phát triển. Việc xây dựng hiến pháp "một quốc gia, hai hệ thống" mang lại lợi ích vượt ra ngoài quy định của pháp luật. Dưới tòa án một bậc là các cơ quan quản lý độc lập, đạt chuẩn thế giới, bao gồm Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) là NHTW và cơ quan quản lý TTCK. Quy định của họ yêu cầu các công ty và công ty tài chính tại Hồng Kông, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, phải đạt tiêu chuẩn hợp lý về quản trị doanh nghiệp và có tài khoản chính chủ, thông báo kịp thời.
Sự minh bạch về thông tin đã giúp Hồng Kông tiếp cận với trung tâm của các hệ thống tài chinh phương Tây – một điều mà Trung Quốc chỉ có thể mơ đến. Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 của Mỹ cho biết nước này nên coi Hồng Kông là một khu vực hải quan riêng biệt và đảm bảo khả năng chuyển đổi tiền tệ. Ngoài ra, còn có những thỏa thuận khác ít được biết đến: các công ty Hồng Kông được cơ quan quản lý phái sinh đối xử tương tự như những công ty Mỹ; giám sát viên chứng khoán Phố Wall có thỏa thuận thực thi với Hồng Kông; vùng lãnh thổ này nằm trong hội đồng giám sát của CLS – một nền tảng thanh toán tiền tệ toàn cầu được Fed hậu thuẫn, nơi giao dịch đồng HKD cùng những đồng tiền tệ khác. Có những đặc quyền mà Trung Quốc và đồng CNY không hề có và có lẽ không thể có.
Trong tất cả các đặc quyền của Hồng Kông, yếu tố quan trọng nhất là vai trò trung tâm huy động vốn bằng đồng USD ở nước ngoài tại châu Á – một vị thế được Fed khuyến khích. Kể từ năm 1983, đồng HKD đã neo giá theo đồng bạc xanh, được bảo lãnh bởi khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 440 tỷ USD. Thậm chí, nhiều công ty giao dịch bằng đồng HKD cho rằng đồng tiền này có thể thay thế được đồng bạc xanh.
Thế mạnh của Hồng Kông
Để có được niềm tin từ các nhà đầu tư, Hồng Kông sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán của riêng họ, có liên kết với thị trường tiền tệ của Mỹ. Họ sử dụng USD CHATS – hệ thống thanh toán liên ngân hàng có thể được sử dụng để thanh toán bù trừ và thanh toán các giao dịch bằng đồng USD tại Hồng Kông. Hệ thống này kết nối với New York qua ngân hàng HSBC. Năm ngoái, tổng giá trị thanh toán được thực hiện qua USD CHATS lên tới 10,4 triệu USD. Trong khi đó, 9 trong 10 ngân hàng lớn nhất đại lục hậu thuẫn, sử dụng để liên kết với HSBC.
Sự đảm bảo về tính công bằng, minh bạch đã giúp Hồng Kông có vị thế vững chắc là trung tâm tài chính của thế giới và các công ty cũng rất hài lòng khi hoạt động tại đây. Vùng lãnh thổ này có 163 ngân hàng được cấp phép, 3 trong số 5 ngân hàng lớn nhất do phương Tây kiểm soát và 1.600 công ty quản lý tài sản – hầu hết là hoạt động trên toàn cầu và một nửa số tài sản họ kiểm soát đến từ Mỹ, châu Âu và châu Á (không bao gồm Trung Quốc).
Trong khi các ngân hàng đầu tư đại lục "thống trị" hoạt động kinh doanh tại đại lục, thì các công ty phương Tây vẫn đảm nhận các thỏa thuận "xuyên biên giới". Ví dụ, 4 trong 5 ngân hàng bảo lãnh cho thương vụ niêm yết lần 2 của Alibaba đều đến từ Mỹ hoặc châu Âu, gồm Morgan Stanley và Credit Suisse. Sự hiện diện lớn của các công ty toàn cầu tại Hồng Kông là bằng chứng cho thấy thị trường này vẫn đang hoạt động tốt và tạo ra việc làm.
Giới tinh hoa trong lĩnh vực tài chính của Hồng Kông cho biết vai trò của thành phố này trong hệ thống toàn cầu không bị đe dọa bởi bất ổn xã hội và địa chính trị. Dù luật an ninh mới của Trung Quốc gây tranh cãi nhưng họ hy vọng sẽ giảm bớt những cuộc biểu tình. Theo đó, cả HSBC và Standard Chartered đều lên tiếng ủng hộ. Theo 5 nguồn tin tiết lộ, không có dấu hiệu tiền gửi ngân hàng quốc tế bị rút khỏi Hồng Kông trong 2 tuần qua. Trong khi đó, 1 số công ty Trung Quốc, như JD.com, đang thực hiện IPO tại đây để huy động vốn.
Dẫu vậy, Hồng Kông không hề "miễn nhiễm" với những tác động của sự leo thang trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với đó là sự kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Nếu bị Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát, thì điều gây lo ngại là liệu các định chế độc lập của Hồng Kông có thể trụ vững trong bao lâu, bao gồm tòa án và NHTW.
Hồng Kông liệu còn là nơi an toàn?
Nếu kịch bản thứ nhất thực sự xảy ra, thì Hồng Kông có thể bị "mất giá" thay vì nhận được ánh hào quang. Các công ty làm việc với Trung Quốc không có lựa chọn nào tốt hơn, nhưng các hoạt động khác có thể sẽ chuyển sang một địa điểm ít phức tạp hơn. Sự dịch chuyển này có thể bao gồm 2/3 mảng giao dịch tiền tệ không liên quan đến của đồng HKD và CNY và hơn 1 nửa tài sản được đầu tư vào châu Âu, Mỹ và các nước châu Á khác.
Nếu hoạt động kinh doanh mang tính toàn cầu bị thu hẹp, Hồng Kông vẫn còn những công ty Trung Quốc để bù đắp. Sẽ có nhiều thương vụ IPO được thực hiện hơn. Hơn nữa, khi các quỹ hưu trí của Trung Quốc phát triển mạnh hơn, họ có thể tạo nỗ lực đầu tư toàn cầu. Tác động tiêu cực về tổng thể là điều chấp nhận được ở Hồng Kông và chỉ tồi tệ với Trung Quốc – nước này sẽ mất một số lợi ích kinh tế khi Hồng Kông ít tiếp xúc với thị trường quốc tế hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến nghiêng về kịch bản "hạt nhân" – vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông mất ổn định. Vô tình hoặc hữu ý, giới chức Mỹ có thể khiến "động mạch thanh toán" bị tắc nghẽn hoặc đứt gãy khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân, công ty hoặc ngân hàng hoạt động tại Hồng Kông. Theo đó, bất kỳ biện pháp nào được đưa ra cũng có thể gây lo ngại rằng số tiền đang "neo đậu" ở Hồng Kông không còn là yếu tố hoán đổi hoàn hảo với phương Tây.
Không có quan chức tài chính nào ở Hồng Kông tin rằng kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra. Nhưng hầu hết các quan điểm đều cho rằng những động thái của Mỹ hoặc Trung Quốc nhằm phá vỡ vai trò trung tâm là trao đổi đồng USD đều rất nguy hiểm. Việc Hồng Kông đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu đến mức mọi người đều lo sợ trước viễn cảnh vùng lãnh thổ này chịu thiệt hại là một lời nói nửa đùa nửa thật, và một lời nhắc nhở về việc vùng việc chấp nhận cú sốc từ sự tách rời của 2 siêu cường khó khăn đến thế nào.
Tham khảo Economist
Lục Lam