(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ động thái này. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Katherine Tai tỏ ra lo ngại về việc nới lỏng thuế quan cho Trung Quốc.
Nhà Trắng đưa ra cân nhắc mới về một bước đi đã gây bất đồng giữa các quan chức. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden đang bị chia rẽ về việc có nên giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nỗ lực cắt giảm chi phí tiêu dùng và giảm lạm phát hay không.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo, trong chính quyền có những người ủng hộ việc nới lỏng thuế quan đối với một số trong số khoảng 360 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc được đưa ra dưới thời chính quyền ông Donald Trump.
Phía đối lập là Đại diện Thương mại Katherine Tai và những người khác lưỡng lự trước việc loại bỏ thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc trong nỗ lực không ngừng để định hình lại hành vi kinh tế của Trung Quốc.
Tổng thống Biden vẫn chưa có quyết định về điều này, nhưng gần đây ông đã xem xét lại vấn đề khi Nhà Trắng tìm cách giảm mức lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ qua. Các cuộc thảo luận diễn ra vào hôm thứ Ba khi chính quyền Mỹ thứ Ba vừa bắt đầu xem xét lại các nhiệm vụ theo yêu cầu pháp lý của thời cựu Tổng thống Trump. Đại diện Thương mại Mỹ được yêu cầu nghiên cứu tác động của thuế quan áp đặt lần đầu tiên vào năm 2018 đối với nền kinh tế sau bốn năm.
Các cuộc thảo luận đặt ra các câu hỏi phức tạp về chính sách và chính trị. Lạm phát đã trở thành một vấn đề chính trị đau đầu đối với chính quyền Tổng thống Biden và đảng Dân chủ. Nhà Trắng có quyền kiểm soát chính sách thương mại rộng rãi mà không cần Quốc hội phân chia chặt chẽ để hành động. Đồng thời, nhiều nhà lập pháp trên Điện Capitol ngày càng tỏ ra cứng rắn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, các liên đoàn lao động và một số đồng minh Dân chủ tiến bộ hoài nghi về những bước đi có thể khiến hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn.
Bà Janet Yellen cho biết việc nới lỏng thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể giúp kiềm chế lạm phát.
Tuần trước, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết rằng việc chính quyền Mỹ xem xét lại thuế quan với hàng nhập khẩu Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc tới cả tác động của chúng đối với lạm phát và cả cách tiếp cận rộng hơn của Mỹ đối với Trung Quốc. Theo các quan chức, chính quyền Tổng thống Biden dự định duy trì các yếu tố của thuế quan mà họ kết luận là hữu ích cho người lao động, người tiêu dùng và ngành công nghiệp Mỹ. Đồng thời, họ thay đổi những gì họ cho là gây bất lợi.
Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ từ chối đưa ra bình luận.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã gây áp lực mới lên quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ Nga trong cuộc chiến này. Mặt khác, các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích thuế quan của thời cựu Tổng thống Trump và kêu gọi loại bỏ do chúng không mang lại lợi ích cho Mỹ.
Cố vấn Bộ trưởng Văn phòng Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc Lyu Jiang cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước: "Trong vài năm qua, thực tế đã chứng minh rằng một cuộc chiến thuế quan không thể giải quyết các vấn đề thương mại của Mỹ. Điều đó sẽ chỉ làm tăng lạm phát và tăng chi phí sinh hoạt cho người tiêu dùng và các hộ gia đình bình thường tại Mỹ. Vì vậy, việc chấm dứt sớm các lệnh trừng phạt thuế quan này sẽ giúp ngăn chặn thiệt hại trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc."
Một điểm quan trọng của cuộc tranh luận là mức độ mà việc dỡ bỏ thuế quan sẽ làm giảm lạm phát. Bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV vào tháng trước rằng làm như vậy có thể giúp giảm giá cả hàng hóa.
Bà nói: "Chúng tôi đang xem xét lại một cách cẩn thận chiến lược thương mại của mình đối với Trung Quốc và tôi nghĩ điều đó đáng được cân nhắc. Chúng tôi chắc chắn muốn làm gì đó có thể để giải quyết lạm phát và đạt được một số hiệu quả mong muốn. Đó là thứ mà chúng tôi đang xem xét."
Phát biểu tại Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken hôm thứ Hai, bà Tai lại tỏ ra không đồng ý. Bà nói rằng những nỗ lực của Mỹ không nên hy sinh các mục tiêu chính sách dài hạn chỉ để làm giảm lạm phát trong ngắn hạn. Chẳng hạn như giải quyết các hoạt động thương mại của Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Bà cho biết: "Bất kể cách thức nào chúng ta muốn triển khai để giải quyết thách thức hiện tại thì cũng phải triển khai với tầm nhìn trung hạn. Chúng ta cần đảm bảo rằng bất kỳ điều gì chúng ta làm ở thời điểm hiện tại phải hiệu quả là yếu tố tiên quyết. Thứ hai là không làm suy yếu chiến lược và dự định trung hạn mà chúng ta biết rằng mình cần theo đuổi."
Người tiêu dùng Mỹ đã phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ, với sự tăng giá của mặt hàng thực phẩm, năng lượng và các sản phẩm khác.
Nghiên cứu hồi tháng 3 của Gary Clyde Hufbauer và những người khác tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy rằng việc loại bỏ thuế quan và các tác động phân tầng của chúng đối với nền kinh tế Mỹ có thể làm giảm lạm phát hàng năm, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng là bằng 1,3 điểm phần trăm.
Một nghiên cứu khác của Viện Peterson do Katheryn Kadee Russ thực hiện cho thấy thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã cộng thêm 0,26 điểm vào lạm phát hàng năm. Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ khiến CPI tăng 0,4 điểm.
Giá tiêu dùng đã tăng 8,5% trong tháng 3 so với một năm trước đó.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ hôm thứ Ba cho biết họ sẽ bắt đầu quá trình thông báo cho các ngành được hưởng lợi từ thuế quan thời cựu Tổng thống Trump trước đó rằng điều này có thể sẽ kết thúc. Nếu bất kỳ ngành nào trong số đó yêu cầu tiếp tục áp dụng thuế quan, cơ quan này sẽ chính thức bắt đầu quá trình xem xét sau ngày 6/7. Các nhóm đại diện cho các ngành công nghiệp như thép và dệt may cho biết họ muốn thuế quan được giữ nguyên.
Minh Phương