(Tổ Quốc) - Số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh bất chấp những nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy mạnh khắp thế giới.
Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 3 triệu người trên khắp thế giới đã chết vì Covid-19 với 1 triệu ca tử vong mới nhất diễn ra trong một quãng thời gian ngắn hơn nhiều so với 2 triệu ca tử vong đầu tiên. Phải mất 8,5 tháng sau trường hợp thiệt mạng đầu tiên ở Trung Quốc, thế giới mới phải chứng kiến 1 triệu người chết vì Covid-19. Tuy nhiên, chỉ 3,5 tháng sau, số nạn nhân đã lên tới 2 triệu. Mốc 3 triệu còn tới nhanh hơn thế.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã chính thức vượt 3 triệu người vào ngày 17/4, chỉ khoảng 3 tháng sau khi số nạn nhân của Covid-19 cán mốc 2 triệu vào ngày 15/1. Số người tử vong ngày càng nhanh hơn cùng với số ca mắc không ngừng gia tăng trên toàn cầu giáng một đòn mạnh vào hy vọng xóa sổ đại dịch nhờ triển khai vắc xin.
Tuy nhiên, số người chết trên thực tế có lẽ còn cao hơn rất nhiều so với con số 3 triệu người mà những báo cáo chắp vá ghi nhận. Cột mốc nghiệt ngã này nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 có lẽ còn lâu mới chấm dứt, nhất là khi những nước nghèo nhất lại chính là những ngước ít có cơ hội tiếp cận vắc xin nhất.
Các mốc thế giới chứng kiến mỗi triệu người chết vì Covid-19.
Thực tế, tỷ lệ tử vong đã chậm lại ở Mỹ và các khu vực khác của châu Âu nhờ vào việc triển khai vắc xin trên diện rộng. Điều này hứa hẹn sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Brazil, những ca tử vong đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Hiện tại, Mỹ vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng tử vong đang được chuyển sang vai những nước nghèo hơn, những quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận vắc xin. Mexico và Peru cũng góp mặt cùng Brazil trong nhóm những nước có số ca tử vong gia tăng mạnh mẽ trong 3 tháng qua.
Trong 1 triệu người thiệt mạng vì Covid-19 gần nhất, tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ, Iran và Argentina giảm mạnh nhất. Sau đó là các nước phát triển như Italy, Mỹ, Pháp, Bỉ….
Các nhà chức trách y tế nhấn mạnh tình hình hiện tại làm nổi bật lên sự cần thiết phải đẩy mạnh tiêm chủng trên quy mô toàn cầu. Dẫu vậy, 40% vắc xin chống Covid-19 hiện đang nằm trong tay 27 quốc gia giàu có nhất và chỉ chiếm 11% dân số thế giới.
Sự chênh lệch trong tiêm chủng được mô tả là mối đe dọa cho thế giới. Nếu để cho virus lây lan bữa bãi, những biến thể mới sẽ xuất hiện và kéo theo nguy cơ kháng vắc xin. Một số loại vắc xin hiện nay đã được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với các biến thể virus mới, chẳng hạn như chủng có nguồn gốc từ Nam Phi.
Trong khi đó, nguy cơ các chủng đột biến tấn công các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao là hiện hữu và nó đe dọa thổi bùng một làn sóng Covid-19 khác mà không có gì để kìm hãm.
"Vắc xin đang cho chúng ta ánh sáng nơi cuối đường hầm nhưng chúng ta vẫn chưa đến đó. Tất cả chúng ta phải tiếp tục bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Linh Anh