(Tổ Quốc) - Kỳ vọng vào kết quả cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Nga và Ukraine kể từ khi Moscow tiến hành “Chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine, diễn ra vào thứ Năm (10/3) tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa 2 bên đã đẩy cổ phiếu châu Á tăng ngoạn mục trong ngày 10/3.
Chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á – Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản) tăng 1,8% trong phiên này, rời khỏi mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020; trong khi chứng khoán Tokyo tăng vọt trên 3,9%, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2020.
Các nhà phân tích cho biết đà tăng ở châu Á, diễn ra sau khi chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch tốt nhất trong gần hai năm vào thứ Tư (9/3).
Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng của CMC Markets, cho biết: "Triển vọng về hòa bình, chấm dứt leo thang có thể sắp xảy ra thực sự là "miếng bánh" trên bầu trời". Nhưng "Như với bất kỳ giai đoạn giảm giá nào, bạn luôn chứng kiến những thời điểm giá tăng dữ dội trong đó, bởi vì mọi người không muốn trở nên bi quan một cách thái quá."
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á mới nổi đều tăng điểm trong ngày 10/3 khi các quốc gia nhập khẩu năng lượng vui mừng trước sự lao dốc mạnh của giá dầu ở phiên liền trước – giúp giảm bớt nỗi lo về lạm phát, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng mức tăng này có được là nhờ các kế hoạch liên quan đến năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, quốc phòng và trợ cấp cho chi phí năng lượng tăng vọt của các chính phủ.
Giá dầu toàn cầu hôm thứ Tư (9/3) ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu đại dịch, sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết thành viên OPEC sẽ hỗ trợ tăng sản lượng vào thị trường. Theo đó, dầu Brent giảm 13,2% xuống 111,14 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm mạnh hơn 17% - phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/4/2020, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) 12,5% xuống 108,7 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021. Chứng khoán Phố Wall cùng phiên cũng tăng mạnh, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng ấn tượng 3,6%, trong khi chỉ số S&P 500 cũng tăng cao.
Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của ANZ Banking Group, cho biết: "Việc giảm bớt lo ngại về lạm phát với giá dầu lao dốc đã làm dấy lên tâm lý tích cực cho thị trường, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến mang lại sự "thèm muốn" các loại tài sản rủi ro cho các nhà đầu tư.
Các thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục phiên này đều tăng hơn 2%, trong khi các thị trường ở Malaysia và Philippines tăng gần 1% mỗi loại.
Các blue-chip Trung Quốc tăng 1,75% trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,6%.
Chứng khoán Seoul, Mumbai tăng hơn 2%. Chứng khoán Sydney, Singapore, Manila và Wellington tăng hơn 1%, còn chứng khoán Jakarta và Bangkok cũng giao dịch trong vùng xanh.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 5,34 điểm, tức 0,36%, lên 1.479,08 điểm; toàn thị trường có 580 mã tăng, 325 mã giảm và 669 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ quanh 26.752 tỉ đồng. Chỉ số HNX-Index tăng 3,94 điểm, tức 0,68% lên 447,64 điểm. Sàn UPCOM-Index tăng 1,92 điểm, tức 1,69% lên 115,29 điểm. VN30 có thêm 0,99 điểm, tức 0,07% lên 1.490 điểm.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm ngoạn mục, với chỉ số trung bình của cổ phiếu Nikkei tăng 3,94% lên 25.690,40, với 222 trong số 225 cổ phiếu thành phần tăng giá, chính thức kết thúc đợt giảm tổng cộng 7% trong 4 phiên liền trước – khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020, là 24.681,74 vào thứ Tư (9/3).
Mọi lĩnh vực trong chỉ số Nikkei đều tăng vào thứ Năm, trong đó cổ phiếu vật liệu cơ bản tăng mạnh nhất, tăng 6,18%, theo sau là mức tăng 4,72% cho cả bất động sản và tiêu dùng theo chu kỳ. Cổ phiếu công nghệ và ô tô cũng tăng. Các cổ phiếu liên quan đến các hoạt động thương mại mở lại sau đại dịch cũng tăng vượt trội, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm so với hồi đầu tháng 2.
Tiền tệ Châu Á cũng đồng loạt tăng trong phiên này, với rupee Ấn Độ tăng 0,4% trong khi tiền tệ của các nước xuất khẩu năng lượng lớn của khu vực là Indonesia và Malaysia cũng nhích lên.
Biến động tiền tệ và chứng khoán Châu Á
Rủi ro vẫn lớn
Mặc dù chứng khoán toàn cầu hồi phục mạnh, song nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ rằng sự biến động thị trường gia tăng có thể chỉ đến thời gian nghỉ ngơi tạm thời chứ không phải là giải pháp bền vững.
Các chiến lược gia thị trường của DBS cho biết: "Chúng tôi vẫn thận trọng rằng thị trường đang điều chỉnh khỏi sự biến động quá mức, đặc biệt là hàng hóa". Theo đó: "Thị trường có thể đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của nỗi lo xung đột ... Thay vào đó, trọng tâm nằm ở lạm phát, vốn đang được chứng minh là dai dẳng, thay vì nhất thời". Báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10/3, ước tính khoảng 8% - 9%.
Giá dầu thô quay đầu giảm nhưng không có nghĩa sẽ tiếp tục giảm, thậm chí gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian và nguồn dự trữ tiếp tục giảm.
"Những gì chúng ta thấy ngày nay tập trung rất nhiều vào giá hàng hóa," Michelle Cluver, chiến lược gia danh mục đầu tư liên kết của Global X, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Chúng ta cũng đang thấy, đặc biệt là với những gì đã xảy ra với việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, câu hỏi về tăng trưởng kinh tế ngày càng được đặt lên hàng đầu."
Chi phí hàng hóa làm gia tăng thách thức lạm phát và đặt các ngân hàng trung ương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, phải giải quyết cùng lúc vấn đề lạm phát và tăng trưởng. Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày Năm (10/3) có thể phản ánh sự thận trọng vì cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của châu lục, trong khi đặt cược vào việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã được thu hẹp lại trong vài tuần qua, hiện chỉ còn khoảng 25%.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp