(Tổ Quốc) - Chính sự gia tăng của chứng khoán Trung Quốc trong bối cảnh tình trạng bán tháo diễn ra trên toàn cầu giúp các nhà đầu tư châu Á có niềm tin vào một cú phục hồi trong nửa còn lại của năm.
Trong một tháng được mô tả là khốc liệt với chúng khoán toàn cầu, khi các chỉ số chính của Mỹ đã rơi vào lãnh thổ thị trường gấu, cổ phiếu ở Trung Quốc lại đang tăng vọt. Chính tỷ trọng cao của chứng khoán Trung Quốc trong các rổ chỉ số ở châu Á đã giúp chúng trở nên ít bị giảm so với phần còn lại của thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Điều này trái ngược với việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và nhiều nơi khác nhưng lại đang hỗ trợ triển vọng chung của khu vực.
Kerry Goh, Giám đốc đầu tư tại Kamet Capital Partners Pte, cho biết: "Rất có thể chứng khoán Trung Quốc sẽ giúp các chỉ số chính ở châu Á tốt hơn phần còn lại của thế giới, khi Bắc Kinh gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế trong cuối năm nay. Thực tế, châu Á phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới nên tác động tích cực có thể lan rộng hơn".
Các cổ phiếu được niêm yết ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chiếm khoảng ¼ trong MSCI Asia Pacific Index. Trong khi đó CSI 300 Index của Trung Quốc đã tăng 7,6% trong giai đoạn này, phục hồi mạnh so với mức giảm vào đầu năm nay.
Những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc chính là việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ, dỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế dịch bệnh cùng với niềm tin rộng rãi rằng việc siết chặt các quy định trong lĩnh vực công nghệ đã kết thúc.
Ngay cả khi nhiều thành phố lớn đứng trước nguy cơ bị phong tỏa vì dịch bệnh, đa số các nhà phân tích vẫn kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng hơn 4% trong năm nay, nhiều hơn ước tính 2,6% của Mỹ.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa châu Á có thể tránh hoàn toàn những tác động từ nguy cơ suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chiến lược gia của Goldman Sachs cho rằng châu Á có thể gặp khó khăn nếu chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo. Tuy nhiên, không loại trừ nhiều thị trường ở châu Á có thể vẫn tăng trưởng.
Mỹ đang là tâm điểm của thế giới khi thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, đang ở một vị trí khác của chu kỳ và thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi vậy, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang có một vị thế tốt hơn để vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
Chính điều này cũng sẽ giúp ích cho phần còn lại của châu Á trừ những nền kinh tế tăng lãi suất quá mức để bảo vệ đồng tiền của họ. Ngoài ra, các nền kinh tế có xu hướng nhạy cảm với vĩ mô toàn cầu, chẳng hạn như Hàn Quốc, được cho dễ bị tổn thương hơn so với phần còn lại của khu vực.
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh