(Tổ Quốc) - Tâm lý hoang mang tư đã đẩy chỉ số CSI 300 giảm 10% trong tháng này, khi các trader bán mạnh cổ phiếu Trung Quốc trước bối cảnh các thành phố lớn bị phong tỏa gắt gao.
Chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này "rơi tự do", chuẩn bị ghi nhận tháng giảm điểm mạnh nhất trong 6 năm. Các nhà đầu tư và nhà phân tích đang cảnh báo đà sụt giảm còn có thể xuống sâu hơn nữa do lo ngại Bắc Kinh có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Tâm lý hoang mang đã đẩy chỉ số CSI 300 giảm 10% trong tháng này, khi các trader bán mạnh cổ phiếu Trung Quốc trước bối cảnh các thành phố lớn bị phong tỏa gắt gao. Khi Bắc Kinh cũng có khả năng buộc phải "đóng cửa", thì nhiều nhà đầu tư lo lắng điều tồi tệ nhất có thể sắp diễn ra.
Hiện tại, Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm "khoảng 5,5%" trong năm nay. Tuy nhiên, khi giới chức nước này đang chật vật để kiểm soát các đợt bùng phát của Covid-19 thì tuần vừa qua các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng xuống mức từng được cho là tình huống tồi tệ nhất. Theo đó, mức dự báo trung bình là 5%, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.
Triển vọng u tối đang gây áp lực cho thị trường chứng khoán. Khi chứng khoán đại lục và Hồng Kông lần lượt giảm khoảng 5% và 4% trong tuần này. Ngay cả các doanh nghiệp hàng đầu ở lĩnh vực chiến lược được Bắc Kinh hậu thuẫn cũng ghi nhận mức giảm 2 con số trong năm nay. Cổ phiếu hãng sản xuất chip SMIC mất 29%, trong khi CATL – nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, giảm 35%.
Andy Maynard – trader tại ngân hàng đầu tư China Renaissance, cho biết: "Mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nữa." Ông nói thêm rằng, khi một số quỹ phòng hộ đang ngừng đặt cược ngược lại với chứng khoán Trung Quốc, thì những bên khác đang đặt rất nhiều lệnh bán khống.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là do nước này vẫn áp dụng chiến lược zero Covid. Tuy nhiên, mục tiêu đó được đặt ra trước khi biến thể Omicron hoành hành tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Hiện tại, khi chiến dịch xét nghiệm diện rộng được thực hiện ở Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về thủ đô Trung Quốc có thể bị phong tỏa như Thượng Hải, thì nhà đầu tư phải đối diện với khả năng mục tiêu tăng trưởng có thể không thực hiện được.
Diễn biến của CSI 300 và dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự báo trong tuần này kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 4,6%, tức là lần đầu tiên không đạt mục tiêu tăng trưởng kể từ cuối năm 1990. Ngoài ra, họ cũng cảnh báo PBOC có thể sẽ hạn chế đưa ra những biện pháp kích thích với quy mô lớn, do những đợt hỗ trợ trước đã là "đủ".
Một số nhà đầu tư tổ chức vẫn giữ triển vọng tích cực với Trung Quốc dù có hạ dự báo tăng trưởng. Hôm 26/4, UBS Wealth Management hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận với thị trường chứng khoán Trung Quốc nhưng vẫn coi đây là khoản đầu tư hiệu quả nhất trong khu vực.
Mark Haefele – CIO của nhà cho vay Thụy Sĩ, cho biết: "Dù tâm lý thị trường có thể sẽ dễ lung lay trong thời gian tới, khi lợi nhuận sụt giảm gây ra những hạn chế cho chứng khoán Trung Quốc, chúng tôi vẫn giữ mức đánh giá tích cực với thị trường này trong danh mục tại châu Á."
Song, dòng vốn bị rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy nhà đầu tư toàn cầu vẫn chưa sẵn sàng để quay trở lại. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu đại lục của khối ngoại vẫn giảm khoảng 26 tỷ NDT (4 tỷ USD) cho đến nay, bất chấp thông báo từ giới chức địa phương rằng số ca mắc ở Thượng Hải đã đạt đỉnh.
Ting Lu – nhà phân tích tại Nomura, nói về tình trạng mua sắm hoảng loạn gần đây tại các chợ của Bắc Kinh: "Tình hình dịch ở Trung Quốc đã bớt căng thẳng nhưng tâm lý chung vẫn chưa có chuyển biến. Chúng tôi cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến."
Tham khảo Financial Times
Vu Lam