Công ty được mệnh danh là 'chúa nợ' đã được Bắc Kinh cứu khỏi bờ vực sụp đổ như thế nào?

(Tổ Quốc) - Trong năm nay, Evergrande đã cắt giảm gần 8 tỷ USD giá trị tài sản, bán cổ phần trong công ty xe điện, một công ty internet, một công ty bất động sản ở Hàng Châu và nền tảng trực tuyến của FCB Group để giải quyết khoản nợ hơn 111 tỷ USD.

Evergrande có thể giảm nợ mà không để xảy ra khủng hoảng?

Khi tỷ phú Hứa Gia Ấn – nhà sáng lập của China Evergrande Group, đang nỗ lực để giảm đòn bẩy ở đế chế bất động sản của mình, ông phải chịu sự giám sát gắt gao từ các nhà cho vay, cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Một dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng đối với Evergrande ngày càng gia tăng: trái phiếu USD của tập đoàn này hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ khi thị trường toàn cầu lao dốc hồi tháng 3/2020.

Sự sụt giảm này nhấn mạnh con đường gập ghềnh phía trước đối với ông Hứa, ngay cả khi Evergrande đã gần đạt được một trong những mục tiêu giảm nợ quan trọng. Theo nguồn tin thân cận, nhà phát triển bất động sản này đã sẵn sàng đáp ứng một trong những yêu cầu của "Ba Lằn ranh đỏ" từ chính phủ Trung Quốc. Theo thông báo hôm 29/6, tổng lượng nợ của công ty đã giảm khoảng 15% so với tháng 3, xuống còn 570 tỷ CNY (88,3 tỷ USD).

Song, vấn đề lớn hơn là liệu ông Hứa có thể tiếp tục giảm quy mô nợ mà không gây ra một cuộc khủng hoảng hay không. Năm ngoái, nhà tài phiệt này đã thoát khỏi khủng hoảng tiền mặt nhờ những người bạn giàu có và sự hỗ trợ của chính phủ, trong bối cảnh khoản vay đã tăng hơn 2.000% trong 1 thập kỷ lên 111 tỷ USD. Trong những tháng gần đây, ông đã giảm giá đất, đưa ra nhiều ưu đãi cho người mua nhà và bán cổ phần của Evergrande trong một số tài sản chất lượng cao.

Khi Bắc Kinh dần mất kiên nhẫn và các ngân hàng tháo chạy, một số nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu tình hình của Evergrande có phải "vô phương cứu chữa hay không."

Công ty được mệnh danh là chúa nợ đã được Bắc Kinh cứu khỏi bờ vực sụp đổ như thế nào?  - Ảnh 1.

Deng Hao – CEO của Beijing GEC Asset Management, cho hay: "Bất kỳ sai sót nào cũng có thể làm tăng sự hoảng loạn của thị trường và thanh khoản cũng đang rất thấp. Theo chính sách và điều kiện thị trường hiện tại thì điều đó rất khó khăn. Con đường giảm nợ của Evergrande có thể sẽ kéo dài và khổ sở."

Từ đầu năm 2018, PBOC đã chỉ ra Evergrande có khả năng gây rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính, cùng với đó là HNA Group, Tomorrow Holding Co. và Fosun International. Song, đến khi Bắc Kinh ban hành một loạt chỉ thị mới và Evergrande tránh được cảnh vỡ nợ vào tháng 9 năm ngoái, thì ông Hứa mới bừng tỉnh.

Hồi tháng 3, nhà phát triển bất động sản đã cam kết sẽ giảm 1 nửa khoản nợ trong 2 năm xuống còn 54,2 tỷ USD hoặc thấp hơn, ngay cả khi lợi nhuận lao dốc. Evergrande có kế hoạch hoàn thành trước thời hạn vào giữa năm 2023 mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra, sớm hơn 6 tháng.

Trái phiếu của Evergrande lao dốc khi một công ty địa phương thông báo về các trái phiếu quá hạn thanh toán. Skshu Paint cho biết họ đang tích cực đàm phán về việc hoàn trả. Trái phiếu có lợi suất 8,75% của Evergrande đáo hạn vào năm 2025 giảm 1,3 cent xuống 67,4 cent, sắp ghi nhận mức thấp nhất trong 15 tháng, theo Bloomberg.

Bắt đầu bán bớt tài sản 

Trong năm nay, Evergrande đã cắt giảm gần 8 tỷ USD giá trị tài sản, bán cổ phần trong công ty xe điện, một công ty internet, một công ty bất động sản ở Hàng Châu và nền tảng trực tuyến của FCB Group. Các khoản đầu tư này đã được trả cho những người từng ủng hộ Evergrande, bao gồm cả những người bạn trong hội chơi poker và những người khác có mối liên hệ với các dự án bất động sản của của ông Hứa.

Một trong số các tài sản tài chính có giá trị nhất của Evergrande là 36% cổ phần trong Shengjing Bank, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD. Khoản đầu tư này đã trở nên kém hấp dẫn khi cơ quan quản lý tăng cường giám sát với các giao dịch cho vay ưu đã và mua trái phiếu giữa ngân hàng với các cổ đông lớn nhất.

Sau khi xếp hạng trái phiếu của Evergrande xuống mức "rác", Fitch Ratings lưu ý: "Kế hoạch giảm nợ của công ty có thể hiệu quả. Tuy nhiên, họ phải chịu rủi ro khi thực hiện và cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong trung hạn."

Công ty được mệnh danh là chúa nợ đã được Bắc Kinh cứu khỏi bờ vực sụp đổ như thế nào?  - Ảnh 2.

Trong khi đó, một số cách huy động vốn trước đây đã trở nên khó tiếp cận hơn. Từng là một công ty phát hành nhiều trái phiếu, Evergrande đã không bán ra một trái phiếu USD nào trong 17 tháng. Và các chủ nợ chưa từng có cảnh giác cao độ như hiện nay. Một số ngân hàng đang cắt giảm các khoản vay với nhà phát triển này. Họ từ chối gia hạn nợ đáo hạn và các công ty tín thác cũng thận trọng hơn.

Chưa dừng ở đó, việc giữ doanh số bán nhà tăng nhanh là một yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết với Evergrande, ngay cả với chi phí lợi nhuận thấp hơn.

Một người mua cho biết, các bất động sản ở Dream City – dự án lớn ở thủ phủ của Tân Cương, đang được chào bán với giá khoảng 3.000 CNY/m2, thấp hơn gần 40% so với mức 4.800 CNY vào năm ngoái. Trước đây, Evergrande từng hạn chế việc giảm giá sâu, cho biết "những ưu đãi lớn" chỉ dành cho một số ít bất động sản.

Kristy Hung – nhà phân tích bất động sản của Bloomberg Intelligence, viết trong một báo cáo tháng 6 việc tập trung vào các thành phố nhỏ hơn có thể giúp Evergrande duy trì mức giảm lớn để đạt được mục tiêu cho doanh số cả năm. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 21% trong năm nay giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Tại Thâm Quyến, một khách hàng đã mua 2 căn hộ của Evergrande trị giá hơn 4 triệu CNY vào năm ngoái. Chị cho biết cảm thấy rất chán nản vì các đợt giảm giá. Một dự án ở phía bắc thành hiện được bán với giá thấp hơn 20% so với mức chị đã trả, trong khi không được công khai ở các trang tiếp thị mà qua đại lý. Hiện tại, chị có kế hoạch hủy các giao dịch đã thực hiện và yêu cầu hoàn tiền. 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Tin mới