(Tổ Quốc) - Tập đoàn thời trang Trung Quốc Shandong Ruyi Technology Group hôm 14/12 đã không thể thanh toán khoản trái phiếu nội địa trị giá 1 tỷ CNY (152,9 triệu USD).
Bank of Communications – nhà bảo lãnh chính của khoản trái phiếu trên, cho biết Ruyi đã không hoàn trả tiền đúng hạn. Ngân hàng quốc doanh này tuyên bố sẽ "giám sát và thúc giục" công ty này nộp khoản tiền mặt cần thiết để hoàn trả đầy đủ cho các nhà đầu tư trái phiếu 3 năm lãi suất 7,5% cùng 75 triệu CNY tiền lãi.
Ngân hàng này cho biết hiện tại họ đang yêu cầu Ruyi "hoàn thành nghĩa vụ công bố những thông tin liên quan tiếp theo" và tổ chức cuộc họp với các trái chủ. Trong khi đó, Ruyi không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào ở thời điểm thông tin này được đưa ra và không trả lời yêu cầu bình luận.
Cả công ty và nhà bảo lãnh đều tìm cách liên lạc với các trái chủ và cuộc họp được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 8/12. Tuy nhiên, sự kiện đột ngột bị hoãn lại vào 1 ngày trước đó, với lý do Ruyi "cần điều chỉnh lại chương trình" mà không nêu thêm chi tiết. Theo dự kiến, cuộc họp này sẽ thảo luận về đề xuất kéo dài thời gian đáo hạn của trái phiếu và giãn nợ trong 3 năm tới.
Ngoài ra, Ruyi cũng phải đối mặt với khoản lãi 75 triệu USD vào ngày 15/12 cho 1 tỷ CNY trái phiếu phát hành vào năm ngoái. Khoản thanh toán này ban đầu đáo hạn vào ngày 15/3 nhưng được hoãn 2 lần đến ngày 15/6 và 15/12, với sự đồng ý của các trái chủ.
Từng được mệnh danh là "LVMH của Trung Quốc", Ruyi đã thành lập một đế chế đồ may mặc cao cấp thông qua những thương vụ mua lại lớn trong nhiều năm qua, từ Cubbie Station (trang trại bông lớn nhất Australia), nhà sản xuất vải co giãn Lycra Co., cho đến các thương hiệu thời trang như Aquascutum và công ty có tuổi đời hàng thế kỷ của Nhật Bản – Renown.
Tuy nhiên, Renown đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay và không còn nhà tài trợ mới nào xuất hiện. Tháng trước, toà án Tokyo đã yêu cầu công ty này thanh lý tài sản. Trong khi đó, JAB Holding – công ty đầu tư có trụ sở tại Luxembourg, xác nhận rằng thương vụ bán thương hiệu sản xuất giày Bally cho Ruyi đã bị huỷ bỏ.
Các thương vụ này phần lớn được thực hiện nhờ những khoản vay nặng lãi từ bên ngoài và Ruyi gần đây đã gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các chủ nợ. Tháng 12 năm ngoái, 1 ngày sau khi khoản trái phiếu ngoại biên 345 triệu USD đáo hạn, công ty này đã thông báo rằng họ đã hoàn trả đầy đủ.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Ruyi, từ tháng 1 đến tháng 3, công ty này chỉ có 4,58 tỷ CNY tiền mặt trong bảng cân đối kế toán hợp nhất, trong khi khoản nợ ngắn hạn và dài hạn đến hạn trong 1 năm có tổng giá trị là 14,36 tỷ CNY.
Michelle Lam, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Société Générale, cho biết các phương tiện hỗ trợ tài chính của chính quyền địa phương bị giám sát chặt chẽ hơn và do đó chịu áp lực cắt giảm các khoản đầu tư rủi ro. Lam cho biết vụ vỡ nợ của Ruyi làm nổi bật rủi ro của việc bảo lãnh chéo giữa các công ty liên quan đến chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc, "có thể làm tăng nguy cơ rủi ro lan rộng trong ngành tài chính".
Ngoài ra, bà nói thêm, áp lực tài chính có thể trở nên rõ ràng hơn vào năm tới khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi, có thể khiến các nhà hoạch định chính sách thắt chặt các điều kiện thanh khoản, bà nói.
Erik Lueth, nhà kinh tế học cấp cao về thị trường mới nổi tại Legal & General Investment Management, nhận định: "Đôi khi việc dạng vỡ nợ này xảy ra là một phần của chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi để đưa thêm quy định vào hệ thống".
Moody's Investors Service đã xếp Ruyi vào hạng "Caa3", có nghĩa là "đầu cơ" và "rủi ro tín dụng rất cao". Bản đánh giá hàng năm của cơ quan tín dụng công bố hồi tháng 8 cho biết xếp hạng này "phản ánh rủi ro tái cấp vốn của Ruyi, do các khoản nợ sắp đáo hạn có giá trị lớn, thanh khoản yếu và tiến độ hạn chế trong các kế hoạch tái cấp vốn."
Cơ quan xếp hạng cho biết quyết định của họ phản ánh "bối cảnh thanh khoản được thắt chặt và rủi ro tái cấp vốn tăng cao khi những bất ổn trong nền kinh tế gia tăng", với các khoản nợ "lớn" sẽ đến hạn thanh toán trong 12 đến 18 tháng tới.
Tham khảo Nikkei
Lục Lam