(Tổ Quốc) - Đơn đặt hàng đóng tàu mới đang tăng mạnh nhưng khả năng vẫn chưa theo kịp nhu cầu hậu cần toàn cầu.
Các tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới đã phải vật lộn hàng tháng trời với việc thiếu container và thiếu chỗ neo đậu tại các cảng do nhu cầu bấp bênh và áp lực của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Giờ đây, một sự thiếu hụt mới đáng lưu tâm đó là thiếu tàu chở container.
Các nhà điều hành đã cảnh báo rằng, mặc dù gần đây số lượng đơn đặt đóng tàu mới tăng đột biến, nhưng tình trạng thiếu tàu sẵn có vẫn sẽ kéo dài trong những năm tới do nhu cầu dịch vụ tăng cao và sự phức tạp của việc trang bị lại tàu cho thân thiện với môi trường.
Xavier Destriau, giám đốc tài chính của Zim, hãng vận tải biển lớn của Israel, cho biết nguồn cung tàu eo hẹp đặt ra "mối đe dọa tiềm tàng", bởi vì nhiều công ty đã do dự cho đến năm nay mới đặt tàu công suất lớn, trong khi quá nhiều tàu cũ sắp trở thành phế liệu.
Ông Andi Case, giám đốc điều hành của Clarksons, công ty môi giới vận tải biển lớn nhất thế giới, cũng đã nhắc lại lời cảnh báo trên. Ông cho biết số lượng xưởng đóng tàu đã giảm 2/3 kể từ năm 2007, xuống còn 115 xưởng.
Những nhà máy đóng tàu đang hoạt động đã nhận được một lượng lớn đơn đặt hàng sau khi các hãng vận tải container thu được lợi nhuận chưa từng có trong giai đoạn 2020-2021. Nhu cầu hàng hóa tăng cao đã thúc đẩy giá cước vận chuyển tăng chóng mặt từ nửa cuối năm ngoái.
Theo bộ phận phân tích Clarksons Research, trong năm 2021, các tập đoàn vận tải biển đã đặt đội tàu có khả năng chở 3,2 triệu container 20 feet. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng điều này sẽ gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Các đơn đặt hàng mới tương đương với 20% công suất của đội tàu hiện tại, tăng từ khoảng 10% vào năm 2019, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 60% trong năm 2007.
Tình trạng thiếu tàu làm gia tăng viễn cảnh về chi phí vận tải duy trì ở mức cao, mặc dù thấp hơn mức cắt cổ lúc này. Khó khăn ở thời điểm hiện tại của ngành công nghiệp này trái ngược với vấn đề gặp phải trong thập kỷ trước. Khi tình trạng thừa tàu khiến giá cước vận tải giảm sâu, những con tàu nằm không vì không đủ cầu. Điều này cũng đã dẫn đến sự sụp đổ của gã khổng lồ Hanjin Shipping, công ty vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc từng vang bóng một thời.
Một số nhà điều hành trong ngành vẫn bày tỏ quan ngại về việc đặt quá nhiều tàu. Mặc dù sự gia tăng nhu cầu toàn cầu cũng đáng lưu tâm, nhưng tình trạng thiếu container và trở ngại về cơ sở hạ tầng mới là những vấn đề cấp bách hơn.
Một lý do khác khiến ngành vận tải biển chần chừ là việc đặt loại tàu theo quy định về môi trường.
Các quy định toàn cầu về giảm khí thải nhà kính có hiệu lực từ năm 2023 đã thúc đẩy các công ty quan tâm đến những con tàu chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). LNG làm giảm khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với nhiên liệu truyền thống, nhưng nó đang gây tranh cãi vì chỉ ngăn chặn lượng khí thải đáng kể trong khoảng 25 năm. Các nhà hoạt động môi trường tin rằng ngành công nghiệp cần phải có một bước nhảy vọt căn bản hơn đối với các nhiên liệu sạch như amoniac xanh hoặc hydro.
Tập đoàn vận tải container lớn nhất thế giới Maersk đã tránh đặt các tàu mới chạy bằng LNG vì lo ngại bất ổn về công nghệ và các quy định.
Nhưng Zim và Clarksons cho rằng các công ty vận tải biển nên nắm lấy LNG và hành động ngay để giảm lượng khí thải, thay vì chờ đợi các công nghệ mới xuất hiện. Trong năm 2021, Zim đã ký hợp đồng thuê dài hạn cho 20 tàu sử dụng nhiên liệu LNG.
Theo Financial Times
Khánh Ly