(Tổ Quốc) - Học sinh không có giấy viết bài, 7 người chết khi xếp hàng từ sáng tới tối chờ mua nhiên liệu, người bệnh qua đời vì không có thuốc… là những gì mà người dân Sri Lanka, quốc gia 22 triệu dân ở Nam Á, đang phải trải qua.
Tồi tệ hơn cả thời nội chiến
Khi mặt trời mọc ở thủ đô Colombo, người ta bắt đầu dựng các quầy hàng của họ với hy vọng có thể kiếm đủ cho cuộc sống gia đình khi mọi thứ tăng giá từng ngày. Cuộc sống của những người bình thường lại phản ánh rõ nét nhất những gì mà khủng hoảng kinh tế reo rắc ở quốc gia 22 triệu dân vừa tuyên bố vỡ nợ.
Dạo một vòng quanh thủ đô, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là những quầy hàng trống trơn. Sạp báo chẳng có gì vì không có giấy để in báo. Các quầy thực phẩm cũng chỉ lèo tèo vài món đồ khi nguồn cung của họ gần như luôn thiếu. Những người bán hàng trên phố thậm chí còn chẳng dám đi vệ sinh khi mà số tiền họ phải trả quá cao so với những gì họ kiếm được.
Suốt cuộc đời mình, người dân Sri Lanka chưa bao giờ nghĩ cuộc sống của họ có lúc sẽ tồi tệ đến thế này. Lạm phát tháng 3 của quốc đảo lên tới 18,7%, một con số khủng khiếp. Mất điện đã trở thành "bình thường mới". Lương thực cơ bản như gạo và sữa trở thành đồ xa xỉ. Các bệnh viện thường xuyên thiếu điện và thuốc, khiến nỗ lực cấp cứu không thể diễn ra kịp thời.
"Một cơn bão hoàn hảo" của hàng loạt vấn đề đã gây ra tình trạng này. Vay nợ nước ngoài vô tội vạ, đại dịch Covid-19 cùng những quyết sách sai lầm của chính phủ đã khiến người dân ở quốc gia này phải trả một cái giá quá đắt.
Xếp hàng chờ mua nhiên liệu.
Vài giờ sau khi những người bán hàng rong bắt đầu làm việc, hàng người ở các trạm cung nhiên liệu cũng nhanh chóng dài ra. Một số người cố gắng đổ xăng cho xe, những người khác chờ đợi đổi được bình gas để nấu nướng. Việc chờ đợi từ sáng tới chiều đã trở nên quá quen thuộc với những người dân ở đây nhưng khó ai có thể thích nghi được với cái gọi là "bình thường" ấy.
Rechard, chồng của Rani Chandra Pereira, là một trong số ít nhất 7 người đã thiệt mạng khi xếp hàng chờ đổ xăng. Theo lời người góa phụ, chồng bà thường phải xếp hàng nhiều giờ mỗi ngày để có thể mua được nhiên liệu. Đó là kế sinh nhai của cả gia đình họ vì ông ấy làm nghề lái xe kéo.
"Anh ấy đi đến cửa hàng xăng dầu để bơm xăng. Anh ấy phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ trong cái nắng nóng như thiêu như đốt. Trong một lần chờ đợi như thế, anh ấy gục ngã khi đang băng qua đường. Bác sĩ nói rằng anh ấy đã qua đời khi được đưa vào bệnh viện", bà Pereira nói.
Người phụ nữ khẳng định chồng bà hoàn toàn khỏe mạnh trước đây và đổ lỗi cho chính phủ đằng sau cái chết của ông.
"Chúng tôi từng sống tốt hơn rất nhiều. Kể cả trong thời kỳ nội chiến, cuộc sống cũng không tồi tệ đến vậy. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên hỗn loạn ở đất nước này", Pereira nói.
Bà Pereira và di ảnh người chồng quá cố.
Người phụ nữ này không nói quá. Năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Sri Lanka là quốc gia có thu nhập trung bình. Họ đã vượt qua một cuộc nội chiến và trỗi dậy những cuộc khủng bố liên hoàn để trở thành niềm ghen tị ở Nam Á với các dự án cơ sở hạ tầng tham vọng của mình. Chính vì thế, những gì đang diễn ra thực sự là địa ngục với người dân đất nước.
"Tôi hy vọng không ai ở quốc gia này phải chịu đựng nỗi thống khổ mà chúng tôi đang phải đối mặt", bà Pereira nói.
Vào một buổi chiều, một trường tiểu học địa phương đang cố gắng để lớp tiếp tục được mở khi không có điện hay giấy. Trong tháng này, Sri Lanka đã phải hủy bỏ kỳ thi của hàng triệu học sinh vì không có giấy viết bài.
Không chỉ có vậy, hệ thống y tế của quốc gia này cũng đang bị tổn thất nặng nề. Cơ quan Y tế Sri Lanka cảnh báo những cái chết thảm khốc sẽ xảy ra nếu quốc gia này không sớm giải quyết được tình trạng khan hiếm thuốc men. Việc các bệnh viện buộc phải ngừng hoạt động vì thiếu điện là điều mà rất nhiều người dân Sri Lanka không thể chấp nhận.
Hơn 100 cuộc biểu tình chỉ trong 1 tuần
Thảm cảnh của người dân cũng là lý do các cuộc biểu tình nổ ra ở Sri Lanka thời gian qua. Người ta đổ lỗi cho Chính phủ quản lý yếu kém, với những quyết định sai lầm như giảm thuế lúc khó khăn hay cấm sử dụng thuôc trừ sâu và phân bón hóa học khiến quốc khố và ngành nông nghiệp nước này hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, việc các chính trị gia không thể thống nhất về con đường tiếp theo cho Sri Lanka khiến nhiều người dân cảm thấy phẫn nộ.
Hiến pháp Sri Lanka không có điều khoản phế truất Tổng thống trừ khi họ tự nguyện rời bỏ chiếc ghế quyền lực. Bất chấp những lời chỉ trích, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và chính phủ của mình vẫn lên tiếng phản bác các cáo buộc. Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa chính là anh trai của Tổng thống.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều tức giận. Bà Achala Samanamali Munusinghe nằm trong số những người "cam chịu" với điều kiện sống hiện tại của mình. "Về mặt chính trị, chúng tôi đã bỏ phiếu cho chính phủ hiện tại và điều đó rõ ràng đã sai. Để sửa chữa, chúng ta cầm tập hợp lại và có một chiến lược cho tương lai của đất nước, của trẻ em và đưa đất nước phát triển trở lại càng sớm càng tốt", bà Munusinghe nói.
Dẫu vậy, các nhà quan sát đang lo ngại tình hình hiện tại có thể dẫn tới chính biến ở Sri Lanka. Đã có hơn 100 cuộc biểu tình nổ ra trên khắp quốc đảo trong tuần trước. Người ta kêu gọi Tổng thống từ chức. Dù phần lớn biểu tình diễn ra trong ôn hòa nhưng cũng đã có những người quá khích, cố gắng đột nhập vào tư dinh của thủ tướng. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.
Tham khảo: ABC News
Linh Anh