(Tổ Quốc) - Dân số Hàn Quốc có thể trở nên trẻ hơn một tuổi trên giấy tờ nếu Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thành công trong việc xóa bỏ khái niệm "tuổi Hàn Quốc".
Lee Yong-ho, trưởng tiểu ban chính trị, tư pháp và hành chính của ông Yoon, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng họ đang thúc đẩy tiêu chuẩn hóa cách tính tuổi ở Hàn Quốc, theo Yonhap News. Ông Lee lưu ý rằng sự thay đổi này có thể được thực hiện vì những lý do thiết thực.
Ông nói: "Do các tính toán khác nhau về tuổi pháp lý và xã hội, chúng tôi đã phải chi trả cho những chi phí kinh tế và xã hội không cần thiết từ sự nhầm lẫn dai dẳng và tranh chấp về cách tính tuổi khi nhận các dịch vụ xã hội, phúc lợi và hành chính, ký kết hoặc giải thích các hợp đồng khác nhau", ông nói.
Hàn Quốc hiện có một số cách để tính tuổi của một người.
Một trong số đó là hệ thống "tuổi Hàn Quốc" mà chính phủ của ông Yoon đang tìm cách loại bỏ, liên quan đến việc người Hàn Quốc được ghi nhận là 1 tuổi khi được sinh ra. Điều này là do 9 tháng mà một đứa trẻ trải qua trong bụng mẹ được hệ thống tính tuổi của Hàn Quốc làm tròn đến một năm và được tính là năm đầu đời của đứa trẻ.
Bên cạnh hệ thống "tuổi Hàn Quốc" và cách tính được quốc tế công nhận để tính tuổi của một người theo ngày sinh, Hàn Quốc còn có một phương pháp thứ ba để tính tuổi. Phương pháp này bao gồm việc cộng thêm cho mỗi người 1 tuổi vào ngày đầu năm mới, bất kể ngày sinh thực của họ là bao nhiêu, đồng thời coi một người là 0 tuổi khi được sinh ra.
Ba hệ thống này về cơ bản có nghĩa là một đứa trẻ sinh vào tháng 12/2020, về mặt lý thuyết có thể có đến ba độ tuổi khác nhau. Em bé đó sẽ là 3 tuổi theo "tuổi Hàn Quốc", 1 tuổi theo hệ thống tuổi quốc tế và 2 tuổi theo cách tính tuổi thứ ba ở xứ kim chi.
Theo báo cáo từ The Korea Herald, đã có những lời kêu gọi tiêu chuẩn hóa việc đếm tuổi hợp pháp vào tháng Giêng khi các cơ quan y tế sử dụng tuổi quốc tế và tuổi Hàn Quốc lẫn lộn để đưa ra hướng dẫn cho các chính sách về tiêm vắc-xin COVID-19.
Ba hệ thống đếm tuổi cùng tồn tại đã dẫn đến một trở ngại về mặt hành chính. Trong đó, những người không đủ tuổi để tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn phải xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng.
"Sẽ ít nhầm lẫn hơn nếu chúng ta thống nhất về cách tính tuổi của mình", ông Lee nói và cũng bổ sung thêm rằng nhóm của ông sẽ thúc đẩy sự thay đổi này và thực hiện vào đầu năm 2023.
Ông nói thêm rằng quá trình này sẽ liên quan đến việc sửa đổi luật hiện hành chứ không đề xuất luật mới.
Điều này sẽ khác với những nỗ lực trước đây nhằm thay đổi hiện trạng tính tuổi vào năm 2019 và 2021, khi các nhà lập pháp đệ trình các dự luật đề xuất chuyển sang hệ thống tuổi quốc tế. Tuy nhiên, các dự luật này đã không được Quốc hội thông qua, theo The Korea Herald.
Minh Phương