(Tổ Quốc) - Làm thế nào để hạ nhiệt nền kinh tế mà không khiến suy thoái ập đến là mục tiêu rất khó đối với bất cứ NHTW nào. Kinh tế Mỹ đang ngày càng trở nên mong manh hơn trước các cú sốc.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy yếu, Fed sẽ linh hoạt hơn trong những động thái tiếp theo.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, rạng sáng nay (28/7) theo giờ Việt Nam, Fed tuyên bố tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, lên mức 2,25% – 2,5%. Ủy ban thị trường mở (FOMC) cũng dự báo sẽ là hợp lý nếu lãi suất tiếp tục tăng lên. Nhưng mức tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các dữ liệu kinh tế. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với cuộc họp tháng 6, khi ông Powell vạch rõ lộ trình tăng lãi suất.
"Sẽ là hợp lý nếu vào cuộc họp tiếp theo Fed một lần nữa thực hiện một cú tăng lãi suất mạnh bất thường, nhưng quyết định đó sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. Thị trường lao động đặc biệt bị thắt chặt, và lạm phát thì đang quá cao", ông nói.
Fed đang phải chiến đấu với mức lạm phát cao nhất trong 40 năm. Với việc chuyển sang phương pháp tiếp cận sát với thời gian thực hơn, ông Powell cố gắng truyền đi thông điệp rằng miễn là giá cả vẫn tiếp tục tăng quá nhanh thì Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Tuy nhiên chiến lược này không phải là không có rủi ro. Dữ liệu thường có độ trễ so với những gì đang diễn ra trên thực tế, và lãi suất sẽ mất vài tháng để tác động đến nền kinh tế.
"Xác suất suy thoái là 50 – 50", Lou Crandall, chuyên gia kinh tế trưởng của Wrightson ICAP nhận định. "Fed có trong tay bộ công cụ chính sách có tác dụng mạnh nhưng không phải là những công cụ có tính chính xác cao".
Thị trường có lạc quan thái quá?
Bất chấp thông điệp mà ông Powell đưa ra, thị trường chứng khoán đã tăng điểm mạnh mẽ. Chốt phiên, chỉ số S&P 500 tăng 2,6% vì ông Powell cũng nói rằng ở một thời điểm nào đó trong tương lai tốc độ tăng lãi suất sẽ giảm xuống. Nhưng theo các nhà quan sát, điều đó không phải là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ quay sang hạ lãi suất hay thậm chí là ngừng tăng lãi suất.
"Bản báo cáo mới nhất của FOMC cũng như phát biểu của ông Powell có rất nhiều dấu hiệu "diều hâu", ví dụ như họ không dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Bên cạnh đó có rất nhiều dấu hiệu khẳng định Fed ưu tiên việc ổn định giá cả hơn là tránh suy thoái", Jonathan Millar, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Barclays nói. "Ông Powell không loại trừ khả năng lãi suất tăng 75 đến 100 điểm cơ bản vào tháng 9".
Các nhà đầu tư đặt cược lãi suất sẽ đạt đỉnh vào khoảng 3,3% trong năm nay, trước khi Fed bắt đầu hạ nhẹ lãi suất vào năm 2023. Hồi tháng 6, các quan chức Fed dự đoán cuối năm 2022 lãi suất ở mức 3,4%, và vào tháng 12/2023 là 3,8%.
Trong cuộc họp trước, ông Powell đã tỏ thái độ rõ ràng hơn về thứ tự ưu tiên của FOMC. "Đưa giá cả ổn định trở lại là điều mà chúng tôi phải làm. Fed nhìn thấy rủi ro 2 mặt: có thể Fed sẽ hành động quá mạnh và khiến nền kinh tế suy giảm mạnh, nhưng Fed cũng đứng trước nguy cơ hành động quá hời hợt và khiến Mỹ chìm trong lạm phát".
Theo ông, FOMC không có ý định đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái nhưng để đạt được mục tiêu lạm phát 2% thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải tăng lên một chút, nền kinh tế cũng phải giảm tốc và hoạt động dưới tiềm năng.
Đi trên dây
Làm thế nào để hạ nhiệt nền kinh tế mà không khiến suy thoái ập đến là mục tiêu rất khó đối với bất cứ NHTW nào. Kinh tế Mỹ đang ngày càng trở nên mong manh hơn trước các cú sốc, và niềm tin của các doanh nghiệp sẽ đột ngột bay biến nếu như lợi nhuận bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng.
Tối nay Mỹ sẽ công bố báo cáo GDP quý II. Thị trường dự báo mức tăng trưởng khiêm tốn, đi kèm với lợi nhuận của các nhà bán lẻ lớn sụt giảm.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ quay trở về nới lỏng chính sách tiền tệ, sớm nhất là ngay từ đầu năm 2023 để kích thích nền kinh tế nếu như suy thoái ập đến. Trong 2 thập kỷ gần đây kịch bản này đã xảy ra nhiều lần. Tuy nhiên trong quá khứ lạm phát thấp hơn và được kiểm soát tốt, thường ở dưới mức mục tiêu mà Fed đề ra.
"Thị trường đang phán đoán dựa vào những gì diễn ra trong 2 cuộc suy thoái gần nhất, nhưng giờ đây thế giới đã đổi khác – lạm phát cao hơn rất nhiều", Derek Tang, chuyên gia kinh tế tại LH Meyer nhận định.
Tham khảo Bloomberg
Thu Hương