(Tổ Quốc) - Số lượng người dân Mỹ chuyển đến sống ở châu Âu ngày càng tăng. Nguyên nhân là do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đồng USD mạnh lên và những bất ổn chính trị ở quê nhà.
Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp là một trong những điểm đến phổ biến nhất. Theo công ty bất động sản hạng sang Sotheby's International Realty, yêu cầu của người Mỹ muốn chuyển đến Hy Lạp đã tăng 40% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với 1 năm trước. Tại Pháp và Ý, nhu cầu của người Mỹ cũng đạt mức cao nhất trong ít nhất 3 năm, Jack Harris – chuyên gia bất động sản của Knight Frank, cho biết. Ngoài ra, dân Mỹ đóng góp 12% vào doanh số bán nhà ở Ý của Sotheby’s trong quý I, so với chỉ 5% trong cùng kỳ năm trước.
Những người Mỹ về hưu và giàu có thường là nhóm khách hàng mua bất động sản ở châu Âu nhiều nhất. Tuy nhiên, giá nhà ở tương đối rẻ, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn nhỏ hơn, và xu hướng làm việc từ xa nở rộ đã khiến châu lục này trở thành địa điểm hấp dẫn hơn với nhiều người – bao gồm cả những người nhận thấy ít có khả năng mua được nhà ở Mỹ.
Hơn nữa, tỷ lệ tội phạm gia tăng ở một số thành phố của Mỹ và quan điểm chính trị chia rẽ cũng khiến người Mỹ phải cân nhắc về việc tìm đến nơi có lối sống yên bình hơn. Quyết định này của họ một phần cũng được thúc đẩy bởi đồng euro vừa giảm giá ngang bằng với USD lần đầu tiên sau hơn 20 năm.
Đối với Stephanie Synclair – 44 tuổi, sống tại Atlanta, việc mua nhà ở Ý là một ước mơ đã được ấp ủ từ lâu và đã thành hiện thực vào tháng 4 năm nay. Chị từng phải chi 3.000 USD/tháng để thuê ngôi nhà 4 phòng ngủ cho mình và con trai ở Atlanta. Sau đó, chị nhận thấy mình không thể thuê một ngôi nhà lớn hơn và tự mua một ngôi nhà khi giá tăng chóng mặt dù có khoản tiền tiết kiệm 300.000 USD.
Sau đó, chị đã chuyển đến Ý – quốc gia mà Synclair rất yêu thích, và có đủ khả năng mua một ngôi nhà rộng 3.100 m2 ở Mussomeli (Sicily) và một ngôi nhà nhỏ hơn ở bên cạnh rộng 800 m2. Tổng giá trị của cả 2 ngôi nhà là 60.000 euro.
Synclair chia sẻ: "Tôi sẽ không bao giờ tìm mua nhà ở Ý nếu thị trường Mỹ không quá ‘điên cuồng’." Chị có kế hoạch làm việc từ xa và mường tượng ra một "cuộc sống tươi đẹp" có đồ ăn ngon, rượu vang, cùng một câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ở khu mình sinh sống. Doanh nhân 44 tuổi cũng dự định khai trương cửa hàng của mình vào thời gian sắp tới, với "bối cảnh nghệ thuật Paris vào những năm 1920."
Theo nền tảng bất động sản Zillow và Idealista, giá trung bình của một ngôi nhà ở Atlanta là 404.575 USD vào ngày 30/6, tăng 19% so với 1 năm trước. Trong khi đó, giá của một bất động sản rộng hơn 74 m2 ở Sicily có giá trung bình là 86.650 euro.
Michael Witkowski – phó chủ tịch hãng tư vấn cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc ở quốc gia khác ECA, cho hay: "Chi phí sinh hoạt tăng cao đã khiến cuộc sống ở các thành phố lớn tại Mỹ đắt đỏ hơn so với châu Âu. Giá nhà đắt đỏ, đồng USD mạnh lên và căng thẳng chính trị là những yếu tố giúp châu Âu trở thành địa điểm sống ngày càng hấp dẫn."
Trên thực tế, việc chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác không phải điều dễ dàng. Những yêu cầu về thị thực và thuế cũng có thể phức tạp và tốn kém. Mỹ áp thuế đối với tất cả công dân của mình dù họ sống ở đâu và làm việc từ xa cho một doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, các "expat" (người từ nước ngoài đến sống cũng như là làm việc tại một đất nước khác) cũng phải nộp thuế cho quốc gia đó.
Để giải quyết một trong số những vấn đề trên, Ý sẽ bắt đầu cung cấp thị thực lao động từ xa cho người nước ngoài vào cuối năm nay. Synclair hy vọng sẽ nhận được loại thị thực này. Ngoài ra, chính phủ ý cũng giới thiệu một chương trình vào năm 2019, đó là bán những ngôi nhà giá 1 euro ở các vùng nông thôn cho các "expat". Khách mua sẽ là người trả tiền và cải tạo nhà, từ đó thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Cathlyn Kirk – 47 tuổi, sống ở Miami, ban đầu bị thu hút bởi những ngôi nhà 1 euro này. Bà đã quyết định mua một ngôi nhà 3 phòng ngủ, 3 tầng ở Mussomeli – cùng làng với ngôi nhà của Synclair, với giá 37.000 euro vào tháng 11 năm ngoái. Với kế hoạch nghỉ hưu trong 2 năm tới, viên chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ muốn chuyển đến một quốc gia mà bà có thể sống thoải mái với khoản lương hưu.
Kirk chia sẻ: "Tôi có thể nghỉ hưu ở tuổi 50 và vẫn sống vui vẻ, đầy đủ và đi du lịch nhiều nơi. Không phải ai cũng có thể làm được như vậy."
Bán đảo Iberia cũng là một điểm đến được nhiều người Mỹ quan tâm. Số lượng người Mỹ cư trú ở Bồ Đào Nha đã tăng 45% vào năm 2021 so với 1 năm trước đó, theo dữ liệu của chính phủ.
Theo Alejandra Vanoli – giám đốc điều hành của công ty bất động sản Viva, Tây Ban Nha là quốc gia có số lượng người Mỹ sinh sống đông nhất châu Âu, với số cư dân đến từ "xứ cờ hoa" tăng 13% từ năm 2019 đến 2021 và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Để thu hút người mua nhà nước ngoài, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã cung cấp "thị thực vàng". Trong đó bao gồm các chương trình cung cấp quyền cư trú dựa theo khoản đầu tư của cư dân theo các mức ban đầu lần lượt là 350.000 euro và 500.000 euro.
Jamie Dixon – 37 tuổi, đã chuyển từ Los Angeles đến Bồ Đào Nha vào tháng 7 năm ngoái cùng con gái 7 tuổi và chồng. Gia đình này có một công việc từ xa và đã xin thị thực thường trú nhân, họ được yêu cầu phải có hợp đồng thuê nhà, tài khoản ngân hàng và bảo hiểm y tế ở quốc gia này.
Jamie là giám đốc điều hành của một startup công nghệ. Ban đầu, vợ chồng chị sống trong căn nhà di động 2 phòng ngủ ở Malibu (California). Dù có công việc ổn định nhưng chị không thể thực hiện ước mua đất để xây dựng một khu sinh hoạt chung ở LA cùng bạn bè.
Song, chuyển sang một công việc làm từ xa đã giúp Jamie có cơ hội rời LA và chuyển đến thành phố ven biển Cascais của Bồ Đào Nha. Tại đây, gia đình chị đã thuê căn hộ 3 phòng ngủ, 3 phòng tắm với giá 2.000 euro/tháng.
Ngoài chi phí sinh hoạt thấp, Jamie cho biết gia đình chị còn được tiếp xúc với cộng đồng đa ngôn ngữ ở đây và không quá căng thẳng vì tỷ lệ tội phạm cao hay bất ổn chính trị như trước. Jamie nói: "Vấn đề bạo lực ở Mỹ đang gia tăng. Tôi muốn con mình có một tuổi thơ bình yên."
Tham khảo Bloomberg
Chi Lan