(Tổ Quốc) - Đây cũng là lần đầu tiên các phi hành gia Mỹ khởi hành từ đất Mỹ kể từ năm 2011.
Cách đây ít giờ, NASA cùng với công ty SpaceX vừa phóng thành công tàu vũ trụ cùng 2 phi hành gia lên trạm vũ trụ ISS, đánh dấu cột mốc quan trọng cho cả NASA và tỷ phú Elon Musk.
Tàu vũ trụ Dragon chở 2 nhà du hành vũ trụ Bob Behnken và Dough Hurley dự kiến sẽ tới được phòng thí nghiệm quỹ đạo trên ISS vào lúc 10h30 sáng EST, tức 9h30 tối nay (31/5) theo giờ Việt Nam, tức mất 19 giờ sau khi được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida.
Khoảng 10 triệu người đã theo dõi trực tiếp vụ phóng tàu vũ trụ Dragon.
Chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên con người đi vào quỹ đạo bằng 1 tàu vụ trũ thương mại được phát triển bởi 1 công ty tư nhân. Đây cũng là lần đầu tiên các phi hành gia Mỹ khởi hành từ đất Mỹ kể từ năm 2011. Sự kiện được thực hiện 18 năm sau khi Musk thành lập SpaceX với mục tiêu hàng đầu là đưa con người đến với các hành tinh khác ngoài trái đất.
Vụ phóng tên lửa này cũng mang ý nghĩa đặc biệt khi Mỹ thực hiện vụ phóng lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây ngay ở thời điểm nước Mỹ đang chìm trong đại dịch, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và ở Mỹ đang xảy ra một loạt vụ biểu tình phản đối cảnh sát.
Tổng thống Donald Trump và phó Tổng thống Mike Pence đã cùng một số người khác có mặt chứng kiến buổi phóng tàu vũ trụ Dragon. Ông đã trò chuyện với hai phi hành gia trước khi họ lên tàu. Trao đổi ngắn gọn với báo chí, ông gọi Musk là một trong những "bộ óc vĩ đại".
Chở người vào vũ trụ thành công sẽ là bước đột phá mới nhất của công ty vốn nổi tiếng với những mục tiêu tưởng chừng là không tưởng. 1 thập kỷ sau khi tên lửa Falcon 9 đầu tiên được phóng thành công, SpaceX giờ đã bỏ xa những đối thủ như Arianspace của châu âu và United Launch Alliance (liên doanh giữa Boeing và nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin) để dẫn đầu dịch vụ khám phá vũ trụ thương mại.
Hiện SpaceX được định giá khoảng 36 tỷ USD, và những tên lửa có thể tái sử dụng của hãng đã trở thành nguồn cảm hứng cho những doanh nhân khác. Tuy nhiên thập niên 2020 được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn vì Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng như các công ty khác gồm Northrop Grumman, ULA và Sierra Nevada Corp đều tung ra thị trường những sản phẩm mới.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đang cố gắng thay đổi quan niệm xưa nay rằng chính phủ nên tạo ra cả cung và cầu trên thị trường này. Sau buổi phóng của SpaceX, lãnh đạo NASA cho biết tổ chức này đang tìm kiếm mô hình kinh doanh nơi NASA không chỉ là khách hàng duy nhất.
Kể từ năm 2001, khi kỹ sư kiêm doanh nhân Dennis Tito, nhà sáng lập và CEO của Wilshire Associates, trở thành cá nhân tư nhân đầu tiên mua chỗ du hành vũ trụ trên tên lửa Soyuz của Nga, các chuyến bay thương mại vào vũ trụ đã có những bước tiến rất lớn.
An Nguyên