(Tổ Quốc) - Các nhà phân tích ngày càng nhìn thấy rõ một cuộc suy thoái đang dần xuất hiện ở Mỹ, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 1994 và các dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng yếu đi.
Sau cuộc họp ngày 15/6, Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, lên khoảng 1,5% đến 1,75%, trong bối cảnh các quan chức tăng cường đấu tranh trong cuộc chiến với lạm phát vẫn đang ở mức cao.
Hiện tại, ngân hàng Wells Fargo dự báo một "cuộc suy thoái nhẹ" sẽ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát cố thủ trong nền kinh tế, ăn sâu vào sức mua của người tiêu dùng và khi Fed thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này.
Lạm phát tại Mỹ tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1981. Các cuộc xung đột khiến giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao. Nhiều đợt phong toả ở Trung Quốc khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn. Moody’s Analytics cho rằng cơ hội để nền kinh tế có được một cú hạ cánh nhẹ nhàng sẽ giảm đi.
Ryan Sweet, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics cho biết: "Fed sẽ tăng lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách ngăn được lạm phát, nhưng họ cũng có nguy cơ phá vỡ luôn nền kinh tế. Tăng trưởng đang chậm lại, tác động của việc thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính và dỡ bỏ chính sách tiền tệ vẫn chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế".
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì có thể để kiềm chế lạm phát, bao gồm cả việc tăng lãi suất lên cao. Các nhà kinh tế cho biết, nếu điều đó xảy ra, Fed có thể gây ra một cuộc suy thoái. Họ phân tích rằng nền kinh tế Mỹ vốn phát triển mạnh trong nhiều năm nhờ chi phí đi vay cực thấp có thể không chịu được tác động của lãi suất cao.
Lãi suất cho vay cao hơn chắc chắn sẽ khiến chi tiêu trong một số lĩnh vực cần vay tiền sẽ chậm lại, đặc biệt là nhà ở, ô tô và thiết bị nội thất. Doanh số bán lẻ Mỹ tháng 5 giảm lần đầu tiên trong vòng 5 tháng vì giá cả leo thang ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Cũng trong ngày 15/6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta đã hạ ước tính tăng trưởng quý II xuống 0% . Giám đốc đầu tư Scott Minerd của Guggenheim cho biết Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái kinh tế, vì chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại.
Ngày càng nhiều nhà kinh tế nói rằng sự co hẹp là điều khó tránh khỏi trong năm tới. Trong một lưu ý, Jay Bryson của Wells Fargo cho biết chỉ một tuần trước, ông đã mong đợi vào một cú hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng hiện tại kịch bản cơ bản ông đặt ra là một cuộc suy thoái nhẹ.
Tỷ lệ người thất nghiệp duy trì ở mức thấp kỷ lục song song với cơ hội việc làm tăng cao nhất trong vòng 5 tháng. Theo Wells Fargo, sức mạnh đó sẽ hỗ trợ việc chi tiêu bổ sung và giữ cho sự co hẹp không quá sâu. Song, một số nhà phân tích cho rằng ngay cả một thị trường lao động lành mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng nếu việc đi vay đắt đỏ hơn và người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp giảm chi tiêu.
Giá cổ phiếu giảm có thể khiến những người nắm giữ nhiều tài sản trong thị trường chứng khoán Mỹ giảm chi cho các hoạt động như nghỉ dưỡng, sửa sang nhà cửa hoặc mua sắm đồ dùng mới. Tăng trưởng tiền lương điều chỉnh theo lạm phát sẽ chậm lại, khiến sức mua của người Mỹ càng yếu đi.
Mặc dù các nhà kinh tế nói rằng Fed có thể thành công, nhưng hầu hết họ giờ đây đều hoài nghi khả năng Fed chế ngự được lạm phát cao mà cuối cùng không làm trật bánh nền kinh tế. Song, nhiều nhà kinh tế dự đoán cho dù suy thoái xảy ra thì cũng chỉ ở mức nhẹ.
Suy thoái thường được định nghĩa là sự suy giảm của hoạt động kinh tế tổng thể trên phạm vi rộng và kéo dài nhiều tháng. Nước Mỹ vừa mới thoát khỏi cuộc suy thoái sâu rộng nhất trong thời kỳ hậu Thế chiến II vào năm 2020, sau khi bị đại dịch Covid-19 tấn công.
Tổng hợp
Khánh Ly