(Tổ Quốc) - Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chậm phản ứng khi Nga siết chặt nguồn cung khí đốt. Hiện tại, nhiều thành phố của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải tắt đèn, ngừng cấp nước nóng nhằm tiết kiệm năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Chưa bao giờ, một quốc gia phát triển như Đức lại phải trải qua những điều khó tưởng tượng như lúc này. Phủ tổng thống Đức ở Berlin không còn được thắp sáng vào ban đêm. Thành phố Hanover quyết định tắt nước nóng trong vòi hoa sen ở các hồ bơi và phòng tập. Nhiều thành phố khác trên khắp nước Đức cũng lựa chọn tiết kiệm để có thể giữ ấm cho người dân khỏi cái lạnh của mùa đông, dự kiến sẽ tới trong 3 tháng nữa. Và đó chỉ là khởi đầu cho những lo ngại về một cuộc khủng hoảng sẽ hoành hành khắp châu Âu.
Hiện tại được coi là cao điểm mùa hè. Tuy nhiên, Đức có rất ít thời gian để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, điều chưa từng xảy ra với một quốc gia phát triển. Phần lớn châu Âu đang cảm thấy căng thẳng do Nga siết nguồn cung khí đốt tự nhiên. Dẫu vậy, sẽ không có quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều như Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực với gần một nửa số hộ gia đình dựa vào nhiên liệu để sưởi ấm.
"Những thách thức chúng tôi đang phải đối mặt là rất lớn và chúng ảnh hưởng đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi là một quốc gia mạnh mẽ với nền dân chủ mạnh. Đó là tiền đề tốt để vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Robert Habeck, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế của Đức, cho biết.
Những bất đồng giữa phương Tây và Nga xung quanh vấn đề Ukraine đang tác động mạnh tới dòng khí đốt tới châu Âu từ Nga. Điều đó đồng nghĩa tình trạng thiếu hụt trong khu vực có thể vẫn tiếp diễn và giá khí đốt có thể đạt mức cao kỷ lục từ nay cho tới năm 2025.
Các nhà chức trách Đức hiện đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội nếu thiếu hụt khí đốt vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, các lò phản ứng hạt nhân từ Pháp, vốn đang bị lỗi, gia tăng sức nặng lên cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực. Pháp là quốc gia xuất khẩu điện nên vấn đề với Pháp khiến giá điện ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng kỷ lục vào tuần trước.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, đáp ứng 40% nhu cầu của cả khối. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine dẫn tới việc phương Tây và Nga trừng phạt lẫn nhau. Một trong những hậu quả là lượng khí đốt Nga cấp cho châu Âu đang giảm xuống. Thách thức với EU lúc này là giữ cho dòng năng lượng chạy xuyên biên giới để thể hiện sự thống nhất của khối cũng như chống lại các tính toán của Nga.
Hiện tại, nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 chỉ còn khoảng 20% công suất. Giá khí đốt ở châu Âu tăng 30% vào tuần trước và giá điện phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác.
Dù chê trách lý do mà Gazprom đưa ra nhưng châu Âu đang sẵn sàng cho một tình huống "nghiêm trọng", trong đó kêu gọi doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm. Để bù đắp những gì còn thiếu, Đức đã cho phép hồi sinh các nhà máy điện than, một bước lùi đối với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Người Đức cũng được khuyến cáo nên lắp vòi hoa sen và giặt quần áo ở nhiệt độ lạnh hơn.
Nếu các biện pháp tái cân bằng cung và cầu không thành công, Chính phủ có quyền ban bố tình trạng "khẩn cấp" về khí đốt. Điều này sẽ liên quan đến việc nhà nước kiểm soát phân phối và quyết định ai sẽ được bơm nhiên liệu và ai thì không.
Trong nỗ lực duy trì điện cho các hộ gia đình và bệnh viện, không có gì đảm bảo những nơi này sẽ giữ được nhiệt độ dễ chịu như khi nguồn cung khí đốt đầy đủ. Hiện tại, nhà chức trách Đức đã công bố kế hoạch giảm sưởi vào ban đêm và các tòa nhà công cộng, bao gồm cả ở thủ đô Berlin, sẽ bị tắt máy điều nhiệt.
Trong khi đó, chi phí tăng lên gây thêm những áp lực cho người nghèo. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Cologne, đã có khoảng ¼ số người Đức rơi vào tình trạng nghèo năng lượng, nghĩa là chi phí sưởi ấm và chiếu sáng ảnh hưởng tới khả năng trang trải các chi phí khác. Chính phủ hiện đang thực hiện chương trình viện trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Những đợt lạnh giá trên khắp châu Âu và châu Á sẽ buộc các công ty năng lượng phải tranh giành nguồn cung khí hóa lỏng, vốn đã eo hẹp. Theo Penny Leake, một nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd., sự gia tăng giá từ một kịch bản như vậy có thể khiến các công ty phải ngừng hoạt động một phần….
Hiện tại, Đức mới lấp đầy được khoảng 68% các kho dự trữ. Với việc Nga cắt giảm nguồn cung, nền kinh tế lớn nhất châu Âu khó lòng nâng tỷ lệ dự trữ lên 95% vào ngày 1/11 như họ mong muốn. Nhà chức trách cũng cho rằng cần các biện pháp bổ sung để gia tăng lượng khí đốt dự trữ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang bắt đầu phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Một cuộc khảo sát trên 3.500 công ty cho thấy 16% trong số đó đang xem xét giảm sản xuất hoặc dừng hẳn một số hoạt động.
BASF SE là một trong số đó. Gã khổng lồ hóa chất của Đức có kế hoạch cắt giảm sản xuất khí amoniac – thành phần quan trọng trong phân bón – sau khi chi phí tăng cao khiến hoạt động kinh doanh không có lãi.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Đức. Giá năng lượng cao đã khiến nhà sản xuất phân bón CF Industries Holdings Inc. thông báo đóng cửa vĩnh viễn một trong các nhà máy ở Anh. Cargill Inc., nhà kinh doanh nông nghiệp hàng đầu thế giới, cũng phải đóng cửa một nhà máy chế biến hạt có dầu ở Anh. Trong khi ở Pháp, các siêu thị gồm Carrefour và Monoprix đã đồng ý giảm tiêu thụ năng lượng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Đức có nguy cơ mất 4,8% sản lượng kinh tế nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Mặc dù đây chắc chắn là một đòn đánh mạnh nhưng mối lo sợ lớn hơn chính là nguy cơ mất khả năng cạnh tranh.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có thể sẽ bị hút ra những khu vực có nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy như bờ biển đầy gió của Đức hoặc các khu vực giàu năng lượng mặt trời ở Địa Trung Hải. Thậm chí, một số có thể chuyển hẳn sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đường ống của Azerbaijan. Điều này có khả năng khoét rỗng các cụm công nghiệp dọc theo sông Rhine và ở phía nam nước Đức.
Theo thăm dò của tờ Die Zeit, ở Đức, hiện có 2 luồng ý kiến về vấn đề Ukraine, trong đó ủng hộ Kiev chiếm phần lớn hơn. Tuy nhiên, khi nhiệt độ giảm mạnh và thiếu năng lượng để sưởi ấm, những quan điểm đối lập ủng hộ việc chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng mọi giá có khả năng được nhiều người hưởng ứng hơn. Và đó chính là áp lực với Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz.
Mặc dù đã trải qua nhiều tháng khủng hoảng nhưng Chính phủ Đức mới bắt đầu công khai mục tiêu cắt giảm 20% nhu cầu năng lượng. Và trong một dấu hiệu cho thấy sự cấp bách ngày càng tăng, Đức gần đây đã nâng mục tiêu tối thiểu về dự trữ khí đốt cao hơn hẳn so với phần còn lại của châu Âu.
Trong thời gian qua, năng lượng tái tạo thực sự đã được cả thế giới quan tâm. Châu Âu cũng hào hứng chuyển sang năng lượng bền vững và tránh xa nguồn nguyên liệu hóa thạch mà Nga đang xuất khẩu. Tuy nhiên, có lẽ châu Âu đã đánh giá sai khả năng sử dụng đòn bẩy năng lượng của Nga.
Trước xung đột ở Ukraine, một công ty con của Gazprom kiểm soát khoảng 20% công suất lưu trữ khí đốt của Đức. Nó có cổ phần đáng kể trong một kho chứa ở Áo và có quyền cất giữ một lượng lớn nhiên liệu ở Hà Lan. Tuy nhiên, gã khổng lồ khí đốt quốc doanh của Nga đã không tích trữ năng lượng trước mùa đông năm ngoái. Phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Đức cũng chính thức khai tử đường ống Nord Stream 2 dù nó chỉ chờ sự phê duyệt để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Đức nói riêng và cả châu Âu nói chung không thể "cai nghiện" khi đốt Nga trong ngày một, ngày hai dù vẫn có cách.
Giống như Đức, hơn một nửa nhu cầu khí đốt của Ý do Nga cung cấp. Tuy nhiên, họ đã nhanh hơn trong việc tìm các nguồn cung thay thế từ Algeria và Qatar cũng như xây dựng các bến cảng để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Thậm chí, Italy còn tự tin rằng họ có thể vượt qua mùa đông mà chỉ phải thắt lưng buộc bụng không đáng kể ngay cả khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung.
Ngược lại, Đức gặp khó khăn hơn do nhu cầu lớn dành cho sưởi ấm và công nghiệp cũng như mức dự trữ thấp hơn. Quốc gia này cũng đang phát triển cơ sở hạ tầng cho khí tự nhiên hóa lỏng nhưng trạm khí nổi đầu tiên sẽ không kịp đi vào hoạt động trong năm nay như chính phủ kỳ vọng.
Tuy nhiên, bức tranh cũng không chỉ là những gam màu xám. Nhiều nhà sản xuất ô tô Đức, bao gồm Mercedes-Benz Group AG, vẫn có thể hoạt động mà không cần tới khí tự nhiên. Trong khi đó, châu Âu cũng đang tỏ ra đoàn kết. Các nước EU đã đạt thỏa thuận chính trị nhằm cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt trong suốt mùa đông này nếu Nga khóa van.
Tại Ludwigshafen, một trung tâm công nghiệp trên sông Rhine, các quan chức đang xem xét cơ sở hạ tầng quan trọng nào sẽ tiếp tục được duy trì trong trường hợp xấu nhất. Họ cũng xem xét chuyển đổi một công trình công cộng thành nơi sưởi ấm cho hàng trăm người cùng lúc.
Jutta Steinruck, thị trưởng của Ludwigshafen, cho biết: "Chúng tôi hiểu nhiều người đang lo lắng và rất nghiêm túc để tìm giải pháp xoa dịu những lo lắng đó. Chúng ta đang tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể để chuẩn bị cho mùa thu và mùa đông tới".
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh