(Tổ Quốc) - Mỹ có nhiều lý do để không nên hành động quá mạnh tay. Hồng Kông chính là cánh cửa để các công ty Mỹ tiếp cận an toàn với thị trường Trung Quốc và tạo ra 1 đồng tiền neo vào đồng USD có kết nối chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ.
Theo Đạo luật chính sách Mỹ - Hồng Kông được Quốc hội Mỹ ban hành từ năm 1992, Mỹ đối xử với Hồng Kông theo 1 cơ chế đặc biệt, trong đó có nhiều đặc quyền về kinh tế, thương mại so với đại lục. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa sẽ bãi bỏ cơ chế đặc biệt này nhằm đáp trả dự luật an ninh vừa được Trung Quốc đưa ra.
Trong tình huống xấu nhất, điều này có nghĩa là Hồng Kông – một trong những trung tâm tài chính quan trọng hàng đầu thế giới – sẽ được Mỹ đối xử không khác gì so với bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc. Đây là sự thay đổi chấn động có thể gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế giữa lúc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Hồng Kông có thể bị tước bỏ vị thế đặc biệt?
Lâu nay Tổng thống Mỹ vẫn có quyền đưa ra sắc lệnh hành pháp chấm dứt đạo luật chính sách Mỹ - Hồng Kông 1992 nhưng điều đó chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, năm ngoái Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu trong báo cáo hàng năm Ngoại trưởng Mỹ phải xác nhận liệu Hồng Kông có "đủ tự chủ" trước Bắc Kinh hay không và dựa vào đó sẽ điều chỉnh cơ chế đối xử đặc biệt.
Và hôm qua 27/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo xác nhận trước Quốc hội Mỹ rằng chính quyền Trump đánh giá Hồng Kông không còn đủ điều kiện giữ cơ chế đặc biệt. Phát biểu này mở ra cánh cửa cho rất nhiều lựa chọn, từ hạn chế cấp thị thực và đóng băng tài sản của những quan chức cấp cao cho đến áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Hồng Kông, hoặc cũng có thể là những biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giờ đây Tổng thống Trump sẽ là người quyết định có nên nhanh chóng hành động hay không, trong khi ông luôn đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc vì xử lý không tốt cuộc khủng hoảng virus corona.
Dẫu vậy tấn công Trung Quốc cũng sẽ gây ra rủi ro cho kinh tế Mỹ, ví dụ như đe dọa thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mà ông Trump vẫn luôn coi là một trong những thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ đầu tiên và cũng là điều ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tái đắc cử.
Hồng Kông mất cơ chế đặc biệt có ý nghĩa gì đối với Hồng Kông và Trung Quốc?
Mặc dù hiện nay Hồng Kông vẫn là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, vai trò của thành phố này đối với sự thịnh vượng của đại lục đã giảm đi rất nhiều so với trong quá khứ. Năm 2019, chỉ có 12% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đi qua Hồng Kông, so với con số 45% của năm 1992. Trung Quốc giờ đây cũng giảm bớt đáng kể sự phụ thuộc vào dòng vốn cũng như chuyên gia nước ngoài, hơn nữa tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng không còn mạnh mẽ như cách đây vài năm.
Thế nhưng Hồng Kông vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cán cân vốn mở và việc tuân theo những tiêu chuẩn quản trị tầm cỡ quốc tế khiến Hồng Kông trở thành căn cứ quan trọng của nhiều ngân hàng và công ty tài chính, thương mại quốc tế.
Do đó theo như Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc trực thuộc ĐH London, hủy bỏ cơ chế đặc biệt của Hồng Kông sẽ chỉ là lựa chọn đường cùng, giống như "kích hoạt 1 quả bom nguyên tử" và "Hồng Kông mà chúng ta từng biết sẽ chết".
Điều này ảnh hưởng như thế nào đến Mỹ?
Mỹ có nhiều lý do để không nên hành động quá mạnh tay. Hồng Kông chính là cánh cửa để các công ty Mỹ tiếp cận an toàn với thị trường Trung Quốc và tạo ra 1 đồng tiền neo vào đồng USD có kết nối chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ.
Theo số liệu chính thức, năm 2018 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ chính là Hồng Kông, ở mức 31,1 tỷ USD. Khoảng 290 công ty Mỹ đặt trụ sở khu vực châu Á ở Hồng Kông và 434 khác đặt văn phòng khu vực ở đây.
Elsie Leung, Bộ trưởng tư pháp Hồng Kông đầu tiên sau khi thành phố được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997, mới đây đã phát biểu trên tờ South China Morning Post rằng bất kỳ thiệt hại nào cũng sẽ là thiệt hại chung: "Không phải chỉ chúng tôi hưởng lợi, đó là 1 thỏa thuận thương mại tự do tốt cho cả hai bên".
Những tác động đến kinh tế thế giới
Dù là bãi bỏ hẳn cơ chế đặc biệt hay là các lệnh trừng phạt, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – vốn đang rất căng thẳng sau một loạt sự kiện gồm đại dịch, biểu tình Hồng Kông, chiến tranh thương mại và nhiều vấn đề khác - sẽ tiếp tục xấu đi.
Ngoài chuyện xem xét lại vị thế của Hồng Kông hàng năm, luật mới còn yêu cầu Tổng thống cấm nhập cảnh và đóng băng tất cả các tài sản ở Mỹ của bất kỳ cá nhân nào được phát hiện là hành vi đàn áp những nhà hoạt động nhân quyền ở Hồng Kông. Theo giới phân tích, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao hơn.
Hồng Kông tự chủ đến đâu?
Khi Anh trao trả Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng thành phố này sẽ có "mức độ tự chủ cao" trong các vấn đề về luật pháp và kinh tế trong vòng 50 năm, theo thỏa thuận vẫn được biết đến với tên gọi "1 nhà nước, 2 chế độ".
Dù đã được trao trả về đại lục, thành phố 7,5 triệu dân này khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại của Trung Quốc, với 1 trung tâm tài chính quốc tế, nền báo chí khá tự do và 1 hệ thống tư pháp độc lập. Hồng Kông được miễn trừ khỏi thuế của ông Trump, có thể nhập khẩu một vài công nghệ nhạy cảm và nhận được sự ủng hộ của Mỹ về chuyện tham gia những tổ chức quốc tế như WTO.
Báo cáo năm 2019 của Mỹ vẫn nhận định Hồng Kông "đủ tự chủ", nhưng sau khi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng tình trạng mức độ tự chủ của Hồng Kông "tiếp tục bị xói mòn" đặt "vị thế đã được thiết lập lâu nay trong các mối quan hệ quốc tế" trước nhiều rủi ro.
Thu Hương