(Tổ Quốc) - Cuộc trấn áp về quy định của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ đã nhanh chóng "cướp đi" 87 tỷ USD của những ông trùm giàu có nhất trong lĩnh vực này kể từ đầu tháng 7. Ảnh hưởng nặng nề nhất chính là tỷ phú Pony Ma của Tencent và Colin Huang của Pinduoduo.
Theo tính toán của Financial Times dựa trên số liệu của Bloomberg, tổng giá trị tài sản của 20 tỷ phú Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ sinh học đã giảm 16%, kể từ khi nền tảng gọi xe Didi Chuxing niêm yết tại Mỹ vào cuối tháng 6.
Bất chấp những cảnh báo về quyền riêng tư từ các nhà chức trách Trung Quốc, thương vụ IPO 4,4 tỷ USD của Didi vẫn được thực hiện. Sau đó, một "cơn bão" về quy định đã kéo đến. Bắc Kinh nỗ lực thắt chặt sự kiểm soát đối với một ngành vốn giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thay đổi. Theo đó, giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn nhất nhanh chóng lao dốc.
Giá trị tài sản của Jack Ma và Pony Ma lao dốc mạnh kể từ khi thương vụ IPO của Ant bị đình chỉ.
Colin Huang - nhà sáng lập của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo, là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất 15,6 tỷ USD, tương đương 1/3 giá trị tài sản. Trong khi đó, "ông chủ" Tencent Pony Ma mất hơn 12 tỷ USD, tương đương 22% tài sản. Hiện tại, ông là người giàu thứ 3 Trung Quốc, sau Jack Ma.
Tài sản của Jack Ma giảm 2,6 tỷ USD trong cùng thời gian, nhưng đã mất gần 13 tỷ USD kể từ khi giới chức Trung Quốc đình chỉ đợt IPO của Ant Group vào tháng 11.
Các nhà sáng lập của những công ty cung cấp dịch vụ gia sư lớn nhất đại lục cũng chứng kiến khối tài sản sụt giảm mạnh, sau khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp này hoạt động phi lợi nhuận vào tháng trước. Giá trị cổ phần của Yu Minhong trong công ty ông sáng lập - Oriental Education, giảm 12%, khiến khối tài sản từ 3 tỷ USD xuống chỉ còn 500 triệu USD.
Ngược lại, các tỷ phú kinh doanh trong những lĩnh vực được nhà đầu tư coi là ít rủi ro hơn, hoặc thậm chí được Bắc Kinh hậu thuẫn lại ghi nhận giá trị tài sản tăng lên trong những tuần gần đây.
Giá trị tài sản của các tỷ phú tăng/giảm ra sao kể từ đợt IPO của Didi.
Rupert Hoogewer - chủ tịch công ty nghiên cứu Hurun Report, cho biết: "Chúng tôi đã thấy xu hướng tái cơ cấu trong giới tỷ phú." Ông nói thêm, Trung Quốc có hơn 1.000 tỷ phú, gấp đôi so với năm trước nhờ sự phát triển của các công ty công nghệ. Nhưng sau động thái gần đây của giới chức, các doanh nhân trở nên thận trọng và chuyển hướng tập trung.
Trong số những tỷ phú được hưởng lợi có Zhong Shanshan - sở hữu đế chế nước đóng chai Nongfu Spring. Năm ngoái, ông đã vượt qua Jack Ma và Pony Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Hiện tại, ông sở hữu khối tài sản trị giá hơn 72 tỷ USD, tăng khoảng 5 tỷ USD kể từ cuối tháng 6 và cao hơn khối tài sản của Jack Ma khoảng 24 tỷ USD.
Trong khi đó, 9 "ông trùm" ngành sản xuất ô tô giàu nhất Trung Quốc đã nhận được sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo hàng đầu quốc gia này. Bắc Kinh đã ủng hộ lĩnh vực này vì họ đang tập trung vào phát triển xe điện. Nhóm các tỷ phú ngành ô tô đã có thêm 22 tỷ USD kể từ tháng 7.
Các tỷ phú mất nhiều tiền nhất kể từ đợt IPO của Didi.
Wang Chuanfu - chủ tịch BYD, nhà sản xuất ô tô và pin xe điện được Berkshire Hathaway hậu thuẫn, đã có thêm 4,4 tỷ USD, đưa khối tài sản lên hơn 25 tỷ USD. Theo đó, ông là người giàu thứ 10 Trung Quốc.
8 tỷ phú trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng thêm 13,6 tỷ USD trong giai đoạn này.
Các nhà phân tích cho biết, rất có thể Bắc Kinh sẽ không nới lỏng quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, họ cũng không lùi lại trong việc ủng hộ các nhà sản xuất ô tô và công ty năng lượng tái tạo vào nửa cuối năm 2021.
Bruce Pang - trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng đầu tư China Renaissance, cho biết nhà đầu tư và doanh nhân đang chú ý nhiều hơn đến những bài phát biểu về chính sách của các nhà lãnh đạo.
Tham khảo Financial Times
Chi Lan