(Tổ Quốc) - Theo nhiều phân tích, người Mỹ da đen có khả năng bị mất việc và thu nhập nhiều hơn trong cuộc suy thoái hiện tại. Họ ngày càng lo ngại về những tác động về tài chính do dịch bệnh hơn nhóm người da trắng. Ngoài ra, họ ít có điều kiện để có thể vượt qua sự khó khăn hiện tại do kiếm được ít tiền hơn và cũng ít có khả năng tạo dựng cơ ngơi giàu có.
Tình trạng suy thoái do Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhóm người da đen ở Mỹ, làm gia tăng sự bất bình đẳng về vấn đề chủng tộc trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu khởi động lại một cách chậm chạp để hồi phục.
Theo nhiều phân tích, người Mỹ da đen có khả năng bị mất việc và thu nhập nhiều hơn trong cuộc suy thoái hiện tại. Họ ngày càng lo ngại về những tác động về tài chính do dịch bệnh hơn nhóm người da trắng. Ngoài ra, họ ít có điều kiện để có thể vượt qua sự khó khăn hiện tại do kiếm được ít tiền hơn và cũng ít có khả năng tạo dựng cơ ngơi giàu có. Chưa dừng ở đó, tỷ lệ người da đen tử vong do nhiễm nCoV cũng cao hơn so với người da trắng ở Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động da màu đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử ngay trước khi đại dịch diễn ra, đây là một tin tốt lành mà Fed đã thông báo như một dấu hiệu thể hiện rằng nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ đang tạo ra lợi ích chung. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát và nhanh chóng "dập tắt" tin vui đó.
Khi triển vọng về sự hồi phục ngày càng trở nên bi quan, người Mỹ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài và mức tăng trưởng thu nhập bị kìm hãm, theo đó những hộ gia đình da màu cũng đứng trước "lỗ hổng" ngày càng lớn của nền kinh tế.
Lao động thuộc các chủng tộc và dân tộc tại nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh đại dịch bùng phát và nhiều địa phương thực hiện các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, người lao động da màu lại thuộc 2 nhóm: Là những nhân viên y tế tuyến đầu nhiễm virus hoặc những người mất việc. Tại Mỹ, người da màu chiếm 11,9% tổng số lao động, nhưng tới 17% trong số các nhân viên y tế tuyến đầu, theo một nghiên cứu.
Một loạt biểu đồ dưới đây thể hiện cho những thách thức mà lao động da màu tại Mỹ đang phải đối mặt, bao gồm sự chênh lệch tiền lương và tại sao họ lại rơi vào suy thoái với tình trạng "yếu ớt" đến vậy.
Tỷ lệ thất nghiệp luôn cao hơn
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người da màu tại Mỹ đã cao gấp đôi so với người da trắng ngay cả trong điều kiện kinh tế tốt nhất.
Có nhiều yếu tố giúp giải thích cho sự khác biệt đó, bao gồm phân biệt chủng tộc và khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự phân biệt đối xử của người tuyển dụng đối với những ứng viên da đen. Ví dụ, các công ty thường gọi họ với những cái tên "da trắng hơn" trong lý lịch. Ngoài ra, người da đen cũng có tỷ lệ tiếp cận giáo dục thấp hơn người da trắng. Đây là một điều khiến họ mất đi nhiều cơ hội lâu dài và những người không có kiến thức cũng ít có khả năng được tuyển dụng.
Dù tình trạng mất việc có nguyên nhân do nền kinh tế đóng cửa không liên quan đến việc phân biệt chủng tộc, thì vẫn có nhiều lý do để lo ngại rằng người da đen và nhóm thiểu số khác có thể phải chịu đựng sự bất công khi một số các công ty cắt giảm nhân sự.
Số người da đen trưởng thành có việc làm là chưa đến 50%
Người lao động da màu tại Mỹ phải chịu đựng những gì mà các nhà kinh tế gọi là hiện tượng "sa thải đầu tiên, tuyển dụng cuối cùng": Họ sẽ nhanh chóng bị sa thải và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng lên ngay cả khi thị trường lao động cho người da trắng bắt đầu hồi phục. Điều này có thể có tác động lâu dài, bởi việc những người lao động không tìm được việc làm có thể những kỹ năng của họ trở nên lỗi thời, khó có thể quay lại với công ty được trả lương cao.
Lao động da đen luôn kiếm được ít tiền hơn
Lao động da đen luôn kiếm được ít tiền hơn lao động da trắng, một phần là bởi họ thường tập trung làm việc trong những lĩnh vực được trả lương thấp. Tuy nhiên, rõ ràng là người Mỹ da đen kiếm được ít tiền hơn so với người da trắng dù ở mọi trình độ. Hơn nữa, người da đen ít có mặt trong hội đồng quản trị của doanh ngihệp và những vị trí được trả lương cao tại Mỹ, bao gồm bác sĩ phẫu thuật, nha sĩ, quản lý hệ thống thông tin và máy tính.
Nghiên cứu của Fed San Francisco cho thấy rằng chênh lệch giữa mức lương của người lao động da trắng và da đen ngày càng trở thành kết quả khó nắm bắt. Mary C. Daly – chủ tịch Fed San Fracisco và đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: "Các yếu tố khó theo dõi hơn – ví dụ phân biệt đối xử, sự khác biệt về chất lượng giáo dục hay cơ hội nghề nghiệp, dường như là nguyên nhân ở đây."
Mức lương thấp đồng nghĩa với khoản tiền dự phòng không cao
Một phần vì họ kiếm được ít tiền hơn, nên người da đen cũng tích lũy được ít của cải hơn. Do đó, số tiền họ có trong tài khoản ngân hàng không cao để có thể chi trả khi vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế kéo dài, nhất là khi Mỹ đang có thể phải đối mặt với việc phục hồi chậm chạp sau đại dịch. Các hộ gia đình da đen cơ bản sở hữu khối tài sản chỉ bằng 1/10 so với các hộ là người da trắng, theo số liệu của Fed.
Khối tài sản của người lao động da đen không có tiến triển trong vài thập kỷ qua. Năm 1983, theo tính toán của nhà kinh tế học đến từ NYU - Edward N. Wolff, hộ gia đình da đen trung bình có tài sản ròng tương đương với 3 tháng thu nhập của họ. Điều này có nghĩa là, nếu một hộ gia đình da đen bán mọi thứ mà họ sở hữu, thì số đó có thể thay thế thu nhập của họ trong 3 tháng. Năm 2016, con số trên tăng lên 6 tháng. Trong cùng khoảng thời gian đó, hộ gia đình da trắng đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng từ khoảng 2 năm thu nhập lên tới 3 năm.
Số người Mỹ da den sở hữu nhà thấp hơn tất cả những nhóm khác
Một phần do khối tài sản thấp hơn, các hộ gia đình da đen thường ít có khả năng sở hữu một căn nhà. Hoặc nhà họ sở hữu thường có giá trị thấp hơn so với những ngôi nhà khác của người da trắng trên cùng một khu dân cư, do bị phân biệt đối xử
Trong khi cuộc suy thoái năm 2007-2009 gây khó khăn lớn đối với những gia đình chứng kiến giá trị của những ngôi nhà họ sở hữu giảm xuống, khiến họ chìm trong nợ thế chấp, thì cuộc suy thoái lần này có thể lại ảnh hưởng đến những người đi thuê nhà. Nhóm người này đã chật vật với khả năng chi trả kém và có nguy cơ không thể tiếp cận các khoản hỗ trợ như trợ cấp thất nghiệp và gói kích thích của chính phủ.
Trong khi đó, khoản hỗ trợ 1.200 USD mà chính phủ Mỹ vừa tung ra cho các hộ gia đình đủ điều kiện và 600 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã được bổ sung thêm thậm chí còn lớn hơn số lương sụt giảm do đại dịch của các hộ gia đình Mỹ. Tuy nhiên, khoản bổ sung đó sẽ hết hạn vào ngày 31/7 và nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng trợ cấp tài chính sẽ không đủ để giúp toàn bộ người lao động quay lại với công việc.
Ngay cả Văn phòng ngân sách Quốc hội cũng dự báo rằng tình trạng yếu kém của thị trường lao động có thể kéo dài nhiều năm. Mối lo ngại là những "tàn dư" của đại dịch sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn đối với những lao động ít có khả năng giải quyết khó khăn về tài chính như vậy – và nhóm này thường là những người lao động da đen hoặc nhóm thiểu số khác.
Tham khảo New York Times
Lục Lam