(Tổ Quốc) - Các doanh nghiệp và thậm chí là tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không tránh khỏi bị SEC "sờ gáy" vì thao túng cổ phiếu bất hợp pháp.
Tỷ phú phát ngôn "ngông cuồng" phải trả giá bằng ghế chủ tịch
Vào năm 2018, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã phải vào cuộc khi tỷ phú Elon Musk đột nhiên đăng tải lên trang Twitter cá nhân một thông điệp với ngụ ý rằng sẽ mua lại toàn bộ Tesla và biến thành một công ty tư nhân. "Tôi đang cân nhắc việc sẽ biến Tesla thành công ty tư nhân với mức giá 420 USD/cổ phiếu. Nguồn tài trợ đã được đảm bảo", Musk đăng trên Twitter.
Sau tuyên bố này, giá cổ phiếu của Tesla tăng vọt hơn 9% trong một ngày rồi liên tục lao dốc. Giới đầu tư và các cổ đông của Telsa đã lên tiếng chỉ trích ông. Nhiều người thậm chí còn đâm đơn kiện, cáo buộc Elon Musk đưa ra tuyên bố tư nhân hoá công ty nhằm thao túng giá cổ phiếu. Trong tình hình bất lợi đối với mình, Musk đã ngay lập tức thông báo huỷ bỏ kế hoạch trên của mình.
Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi Bộ Tư pháp Mỹ vào cuộc điều tra. Theo đó, SEC đã khởi kiện Giám đốc điều hành của Tesla về việc đăng tải "những thông tin sai lệch và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư" trên mạng xã hội Twitter. Đồng thời, SEC nhấn mạnh "ông Musk còn chưa thảo luận với bất kỳ nguồn đầu tư tiềm năng nào, nói gì đến việc đạt được thỏa thuận về các điều khoản then chốt bao gồm giá cổ phiếu".
Việc tự đưa ra mức giá tư nhân hóa của Tesla mà không thảo luận vấn đề này với các thành viên trong hội đồng quản trị, nhân viên hay các chuyên gia tư vấn đã vi phạm Quy tắc 10b-5 của Đạo luật Chứng khoán và Hối đoái. Được biết, điều luật này vốn được SEC sử dụng để xử lý các nhà giao dịch nội gián và thao túng thị trường.
Tỷ phú Elon Musk - người sáng lập Tesla
Bà Stephanie Avakian, Giám đốc Bộ phận Thi hành án của SEC cho biết: "Chủ tịch và CEO của một công ty đại chúng có trách nhiệm rất lớn đối với các cổ đông. Trong đó bao gồm sự thận trọng khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào ảnh hưởng tới nhà đầu tư, mọi việc cần đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Dù đối tượng là người nổi tiếng hay là nhà lãnh đạo công nghệ, cũng không thể được miễn trừ khỏi luật chứng khoán liên bang".
Theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán, "vi phạm Quy tắc 10b-5" là một cáo buộc rất nghiêm trọng, hình phạt có thể khiến Elon Musk không được làm CEO vĩnh viễn. Trường hợp điển hình là Martha Stewart, CEO kiêm chủ tịch công ty truyền thông Martha Stewart Living Omnimedia. Bà từng bị SEC cáo buộc giao dịch nội gián liên quan cổ phiếu công ty sinh dược ImClone.
Kết quả, giá cổ phiếu của Tesla giảm gần 11% so với thời điểm trước khi Elon Musk có phát ngôn gây chấn động trên. 2 ngày sau, tỷ phú công nghệ Elon Musk chấp nhận từ chức Chủ tịch Tesla và trả 20 triệu USD tiền phạt. Tỷ phú cũng bị cấm tái ứng cử vị trí chủ tịch công ty trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, công ty chấp nhận bổ nhiệm thêm 2 giám đốc độc lập và thiết lập một ủy ban giám sát các hoạt động truyền thông của Musk.
Lợi nhuận cũng không gánh nổi án phạt do giao dịch trái pháp luật
Vào tháng 9 năm ngoái, SEC đã buộc tội ba trong số các công ty của tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý do các hoạt động trong một đợt phát hành ICO và niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO). Theo đó, SEC buộc tội GTV Media Group và Saraca Media Group và Voice of Guo Media về việc chào bán trái phép cổ phiếu GTV chưa đăng ký. Saraca và Voice of Guo được biết đến với cái tên "G Entities", cũng tiến hành một ICO trong cùng thời kỳ.
GTV và Saraca cũng bị buộc tội cung cấp bất hợp pháp chứng khoán kỹ thuật số chưa được đăng ký có tên G-Coins hoặc G-Dollars. Đợt ICO đã huy động được 34 triệu USD từ các nhà đầu tư đang tìm cách tiếp xúc với G-Dollars. Tuy nhiên, SEC nhận thấy G Entities đã không cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về cách phát triển nền tảng và tài sản kỹ thuật số thuộc sở hữu của công ty.
Tỷ phú người Trung Quốc Quách Văn Quý
Ngoài 34 triệu USD thu được từ ICO, các đợt IPO cũng đã mang lại doanh số 453 triệu USD cho công ty của tỷ phú Trung Quốc từ hơn 5.000 nhà đầu tư thông qua các đợt chào bán. Con số thu vào này dù lớn cũng không thể gánh nổi hậu quả của án phạt đến từ SEC.
Ba công ty truyền thông đã đồng ý trả hơn 539 triệu USD để giải quyết các cáo buộc. Trong đó, GTV và Saraca đồng ý bồi thường hơn 434 triệu USD cộng với khoản lãi tiền phạt khoảng 16 triệu USD. Đồng thời, mỗi công ty phải trả một khoản phạt dân sự là 15 triệu USD. Voice of Guo đã nhận được lệnh ngừng hoạt động, trả hơn 52 triệu USD cộng với tiền lãi gần 2 triệu USD, và nộp phạt dân sự 5 triệu USD.
Linh Chi