(Tổ Quốc) - Ngay cả trước khi thực hiện thương vụ mua lại Twitter, Musk đã cầm cố 88 triệu cổ phiếu của Tesla cho các khoản ký quỹ dù vẫn chưa rõ ông đã đi vay bao nhiêu tiền.
Hiện tại, 2/3 trong 44 tỷ USD được Elon Musk sử dụng để thâu tóm và tư nhân hóa Twitter sẽ được rút từ "tiền túi" của ông. Musk đang nắm giữ số tài sản khoảng 250 tỷ USD. Song, vì tài sản được "neo" theo cổ phiếu Tesla, cùng cổ phần trong SpaceX và The Boring Co., Musk sẽ phải bán hàng triệu cổ phiếu để có thêm hàng triệu USD và huy động tiền mặt.
Theo hồ sơ từ SEC, kế hoạch huy động vốn của Musk bao gồm 13 tỷ USD đi vay các ngân hàng và 21 tỷ USD tiền mặt - có thể là từ việc bán cổ phiếu Tesla. Ngoài ra, khoản chi trên cũng bao gồm một khoản vay ký quỹ 12,5 tỷ USD, với cổ phiếu Tesla được dùng làm tài sản thế chấp. Vì cổ phiếu Tesla có tỷ lệ rủi ro cao, nên các ngân hàng yêu cầu Musk phải cam kết thế chấp thêm khoảng 65 tỷ USD cổ phiếu Tesla hoặc 1/4 tổng số tài sản hiện có của ông.
Ngay cả trước khi thực hiện thương vụ mua lại Twitter, Musk đã cầm cố 88 triệu cổ phiếu của Tesla cho các khoản ký quỹ dù vẫn chưa rõ ông đã đi vay bao nhiêu tiền. Hãng nghiên cứu Audit Analytics cho biết, Musk đã cầm cố hơn 90 tỷ USD cổ phiếu để đi vay. Với con số này, ông đang là "con nợ" lớn nhất trong số các CEO và lãnh đạo của Mỹ, người đứng thứ 2 là Larry Ellison với 24 tỷ USD.
Số tiền mà Musk đi vay thậm chí còn lớn hơn khoản nợ đang được cầm cố trên toàn TTCK Mỹ. Theo Audit Analytics, số cổ phiếu mà ông cầm cố trước thương vụ Twitter chiếm hơn 1/3 trong tổng số 240 tỷ USD của toàn bộ cổ phần được cầm cố trong các doanh nghiệp niêm yết trên NYSE và Nasdaq. Sau khi "chốt" thương vụ Twitter, khoản nợ của Musk có thể còn tăng cao hơn nữa.
Đương nhiên, Musk vẫn rất giàu có, đặc biệt là khi ông tiếp tục nhận được quyền chọn cổ phiếu trong gói thưởng 2018. Với 170 triệu cổ phiếu đang sở hữu hoàn toàn, cùng 73 triệu quyền chọn cổ phiếu, Musk có thể nắm giữ 23% cổ phần trong Tesla với giá trị hơn 214 tỷ USD. Phần còn lại trong khối tài sản của Musk đến từ hơn 50% cổ phần trong SpaceX và các dự án kinh doanh khác.
Trong tháng này, khi Tesla tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc, ông lại nhận thêm 25 triệu quyền chọn cổ phiếu. Dù không thể bán các quyền chọn này trong 5 năm, nhưng ông vẫn có thể thế chấp để đi vay.
Dẫu vậy, các khoản vay lên tới 11 con số của Musk lại thế hiện mức độ rủi ro và đòn bẩy chưa từng có mà các CEO đang thực hiện. Những vấn đề đó thể hiện rõ khi cổ phiếu Tesla hôm thứ Ba giảm 12%, khiến Musk mất hơn 20 tỷ USD.
Khoản đặt cược mạnh tay của Musk cũng được thực hiện khi nhiều doanh nghiệp khác đang cắt giảm mạnh hoặc hạn chế việc các CEO đi vay thế chấp cổ phiếu. Hơn 2/3 công ty thuộc S&P 500 hiện cấm các CEO và giám đốc cầm cố cổ phiếu để đi vay nghiêm ngặt, theo dữ liệu từ ISS Corporate Solutions. Một số khác lại cho phép các trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ như Oracle. Chỉ 3% các công ty trong S&P 500 cho phép các giám đốc cầm cố cổ phần.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lo ngại về những rủi ro lớn, khi một số giám đốc điều hành đã phải bán tháo cổ phiếu khi nhận được margin call. Green Mountain Coffee Roasters vào năm 2012 đã cách chức nhà sáng lập kiêm chủ tịch Robert Stiller và giám đốc William Davis vì 2 người này buộc phải bán cổ phiếu để trả nợ. Năm 2015, CEO của Valeant - Michael Pearson đã phải bán cổ phiếu do Goldman Sachs đang nắm giữ làm tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ 100 triệu USD.
Trong khi đó, Tesla cho biết việc cho phép các giám đốc điều hành và giám đốc cầm cố cổ phiếu để vay là chìa khóa cho "cơ cấu thưởng" của công ty, phù hợp với lợi ích của những người đang nắm giữ cổ phiếu.
Hiện tại, số tiền chính xác mà Musk đang vay vẫn là một bí ẩn. Hồ sơ SEC của Tesla cho thấy ông cầm cố 88 triệu cổ phiếu nhưng không nêu chi tiết về khoản tiền mặt mà ông vay. Nếu Musk cầm cố số cổ phiếu này vào năm 2020 - khi cổ phiếu Tesla giao dịch ở mức 90 USD, ông có thể vay khoảng 2 tỷ USD khi đó. Còn hiện tại, khi giá cổ phiếu tăng gấp 10 lần, ông có thể vay thêm 20 tỷ USD hoặc nhiều hơn. Theo đó, có thể ông chỉ cần cầm cố thêm 1/3 cổ phiếu Tesla đang nắm giữ sau thương vụ Twitter.
Tuy nhiên, nếu Musk tăng giá trị khoản vay khi cổ phiếu Tesla tăng giá thì ông có thể phải cầm cố thêm. Các nhà phân tích cho biết, nếu Musk vay tối đa với 88 triệu cổ phiếu và ông ấy cầm cố thêm 60 triệu cổ phiếu để hoàn tất thương vụ Twitter, thì hơn 80% cổ phần Tesla mà ông đang sở hữu hoàn toàn được mang đi thế chấp.
Theo đó, Musk còn khoảng 25 tỷ USD cổ phiếu Tesla chưa được thế chấp. Nếu phải bán 21 tỷ USD cổ phiếu để huy động tiền mặt cho thương vụ Twitter, cũng như các khoản thuế đi kèm, thì gần như toàn bộ cổ phần của Musk trong Tesla đều được cầm cố. Có thể thấy, Musk đã đặt phần lớn tài sản trong Tesla vào thế rủi ro và điều này có thể trở thành vấn đề không nhỏ cho các cổ đông của hãng xe điện.
Tham khảo CNBC
Chi Lan