Lạm phát len lỏi đến từng đám cưới: Khách ‘đau ví’ đành cắt xén sự kiện trong mơ, cửa hàng đau đầu vì chuỗi cung ứng

(Tổ Quốc) - Lạm phát khiến các cặp đôi tìm mọi cách để tiết kiệm tiền. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ cưới tiếp tục đối mặt với khó khăn của chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Nicole Brandfon và vị hôn phu của cô, Adam Alonso, sẽ lên máy bay từ Florida đến Nam Mỹ vào đầu năm sau để tổ chức đám cưới. Chuyến bay ra nước ngoài không nằm trong kế hoạch ban đầu của họ, nhưng giúp họ tiết kiệm được tiền.

Cặp đôi đính hôn từ tháng 6 năm 2021 đã mơ ước tổ chức đám cưới ở Miami, nơi họ sinh sống và làm việc. Nhưng khi lên kế hoạch, cả hai nhanh chóng nhận ra giá cả nằm ngoài tầm với của họ. Các địa điểm trống phù hợp với khung thời gian cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 còn rất ít.

Brandfon, 29 tuổi, hiện đang là Account Director tại một công ty quan hệ công chúng. Cô cho biết cả hai đã dành 3-4 tháng để xem xét rất nhiều địa điểm khác nhau và nhận ra họ không thể xoay sở tổ chức một đám cưới ở Miami.

Lạm phát len lỏi đến từng đám cưới: Khách ‘đau ví’ đành cắt xén đám cưới trong mơ, cửa hàng đau đầu vì chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Nicole Brandfon và vị hôn phu Adam Alonso đang lên kế hoạch tổ chức đám cưới ở Colombia, thay vì Miami, vì giá cả phải chăng hơn. Ảnh: Nicole Brandfon.

Quyết định kết hôn nước ngoài của Brandfon và Alonso chỉ là một ví dụ cho thấy cách các cặp đôi xoay sở để đối phó với chi phí tổ chức đám cưới đang ngày càng tăng.

Các công ty dịch vụ tổ chức đám cưới cũng bị quá tải, khi nhu cầu bị dồn nén do đại dịch Covid-19. Họ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn từ chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hụt. Đồng thời, lạm phát làm gia tăng chi phí của mọi thứ, từ thực phẩm đến nhân công.

Do đó, nhiều cặp đôi đang phải đánh đổi và suy nghĩ lại về những ưu tiên, chẳng hạn như chọn chiếc váy cưới trong mơ hoặc quầy bar thay cho trang trí hoa lộng lẫy.

Cặp đôi Brandfon và Alonso sẽ làm đám cưới vào tháng 2/2023 tại thị trấn ven biển Caribe của Cartagena, Colombia. Giờ đây, họ có thể có người lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Cặp đôi cũng dự định chiêu đãi nhiều món ăn khác nhau trong một bữa tối đầy đủ chỗ ngồi.

Brandfon nói: "Thực sự là chúng tôi muốn thêm thứ gì thì có lẽ sẽ phải tiêu tốn thêm vài nghìn đô nữa, cho dù là ở Florida hay bất cứ nơi nào tại Mỹ".

Cắt giảm mọi thứ có thể

Theo công ty nghiên cứu The Wedding Report, gần 7 triệu cặp đôi ở Mỹ sẽ kết hôn trong 3 năm tới. Đại dịch khiến đám cưới bị trì hoãn. Năm 2022 dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu đám cưới, tăng 30% so với năm trước và là con số cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây.

Trong 2 năm tới, con số này dự kiến sẽ giảm nhẹ, nhưng không nhiều. Người Mỹ dự kiến sẽ lên kế hoạch cho 2,24 đám cưới vào năm tới và 2,17 triệu vào năm tiếp theo.

Số tiền mà các cặp đôi chi tiêu để tổ chức đám cưới cũng đang tăng dần. Theo The Wedding Report, vào năm 2021, trung bình các cặp đôi đã chi 27.063 USD cho đám cưới của họ, tăng từ khoảng 24.700 USD trên mỗi cặp đôi trong năm 2019. Vào năm 2020, khi đại dịch bùng phát, nhiều đôi đã lựa chọn buổi lễ nhỏ hơn, ít thủ tục hơn và chi tiêu trung bình 20.286 USD.

Khi các sự kiện được tổ chức rầm rộ trở lại, các cặp đôi đang tìm các hạng mục có thể cắt giảm.

Kim Forrest, biên tập viên cấp cao của WeddingWire cho biết, ngày càng có nhiều cặp đôi lựa chọn tổ chức đám cưới vào các ngày trong tuần. Điều này mang lại lợi thế về chi phí. Một số địa điểm tổ chức sẽ giảm giá cho các sự kiện tổ chức giữa tuần.

Forrest cũng lưu ý rằng các đám cưới được tổ chức ở miền Nam có xu hướng ít tốn kém hơn so với những đám cưới ở miền Đông Bắc. Các thành phố như Boston và New York khiến mức chi phí trung bình trên toàn quốc gia tăng.

Shane McMurray, người sáng lập The Wedding Report, cho biết chi phí cho đám cưới năm nay được dự đoán là "cao hơn nhiều" so với những năm gần đây. Phần lớn nguyên nhân là do chi phí thực phẩm, nhân công và vận chuyển tăng cao. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ cũng có khả năng tự định giá khi thấy nhu cầu đặt chỗ tăng cao.

Ông nói: "Đây là những thứ mọi người quan tâm nhất: đồ ăn, quầy bar, dịch vụ chụp ảnh và tất nhiên là địa điểm. Số lượng khách tăng và điều đó sẽ gây tốn kém nhiều hơn".

Điều đó có nghĩa là các cặp đôi chấp nhận hy sinh chọn những nơi khác khi lên kế hoạch. Điều này sẽ gây thiệt hại cho một số nhà cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, các cặp đôi có thể không phải trả tiền cho người tổ chức sự kiện, miễn là họ sẵn sàng tự thực hiện.

Theo dữ liệu từ The Wedding Report, các cặp đôi chi tiêu ít tiền hơn cho các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và spa, người chủ trì buổi lễ và các bữa tiệc dành cho khách dự đám cưới. McMurray cho biết các hạng mục có sự linh hoạt để tìm ra những lựa chọn ít tốn kém hơn mà vẫn hoàn thành công việc.

Lạm phát len lỏi đến từng đám cưới: Khách ‘đau ví’ đành cắt xén đám cưới trong mơ, cửa hàng đau đầu vì chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

WildBride, một cửa hàng váy cưới ở San Francisco, đang nhận thấy nhu cầu về trang phục và sự phức tạp của chuỗi cung ứng tăng cao. Ảnh: Buena Lane Photography.

Các bên cung cấp dịch vụ buộc phải tăng giá

Các nhà cung cấp đang thực sự gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu, dù biết rằng nhiều cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn về thời gian và tiền bạc.

Samira Araghi, người sáng lập và chủ sở hữu của cửa hàng váy cưới WildBride ở San Francisco, nói rằng mùa cưới năm 2022 đang "bùng nổ" sau một đợt suy thoái do đại dịch gây ra.

Điều đó có nghĩa là cửa hàng WildBride của cô có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Có những khoảnh khắc trong đại dịch, cả xã hội như thể đã mở cửa trở lại, các cặp vợ chống được tự do tổ chức các cuộc tụ họp đông người hơn. Nhưng đó là cả một sự phục hồi khó khăn khi các biến thể mới gây ra những đợt bùng phát đột biến.

Araghi cho biết, vấn đề cấp bách nhất mà cửa hàng phải đối mặt hiện nay là việc nhận được thành phẩm qua đường bưu điện. Cô cũng lưu ý rằng nhiều nhà cung cấp đã ngừng hoạt động. Một số loại vải, trang phục và kiểu dáng đã cháy hàng. Cô nói: "Các vấn đề về chuỗi cung ứng hiện là một vấn đề lớn".

WildBride bắt đầu tìm kiếm giải pháp bằng việc lựa chọn những kiểu váy cũ hơn hoặc những mẫu có thể mua với số lượng lớn. Một số mẫu váy sẽ được giảm giá tùy theo tình trạng. Đây có thể là một lựa chọn hấp dẫn cho những khách hàng nhạy cảm về giá.

Araghi cho biết cô vẫn chưa buộc phải tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh lạm phát lan rộng, mặc dù cô biết rằng điều đó đang xảy ra tại các nhà cung cấp khác như cửa hàng bán hoa và trang sức. Tuy nhiên, khi chi phí vận chuyển tiếp tục tăng, Araghi cho biết việc tăng giá là khó tránh khỏi.

Sự bùng nổ sẽ có chiều hướng giảm sút?

James Marcum, CEO của hãng đồ cưới David's Bridal, cho rằng sự bùng nổ của đám cưới cũng như sự nhạy cảm của người tiêu dùng với giá cao sẽ không sớm biến mất. Đó là lý do công ty đầu tư vào chương trình khách hàng thân thiết và chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc.

Marcum cho biết ông đã bắt đầu nhận thấy một số cô dâu tỏ ra ngần ngại khi vung hàng nghìn đô la cho một chiếc váy. David's Bridal có một sự lựa chọn khá phong phú, với giá dao động từ 70 USD đến 2.000 USD.

Theo The Wedding Report, các cô dâu đã chi trung bình 1.499 USD cho một chiếc váy cưới vào năm 2021. Con số đó dự kiến sẽ đạt 1.527 USD trong năm nay.

Đến năm 2024, The Wedding Report dự đoán số lượng đám cưới được tổ chức ở Mỹ sẽ giảm xuống gần bằng năm 2018, ở mức 2,14 triệu đám cưới. Các cặp đôi có thể yên tâm rằng đến lúc đó có thể dễ dàng đặt địa điểm tổ chức. Nhưng giá cả khi ấy thì không thể biết trước.

Theo CNBC

Khánh Ly

Tin mới