(Tổ Quốc) - Mận là một món ăn bình dân vừa túi tiền của mọi tầng lớp người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng giá mận tăng cao đã khiến loại quả này dần biến mất khỏi bàn ăn, đồng thời hé lộ tình trạng lạm phát tàn khốc ở quốc gia này.
Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, quả mận, hay còn gọi là "erik" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tượng trưng cho sự khởi đầu của mùa xuân. Loại trái cây này xuất hiện vào tháng 4, khi cây kết trái và quả được hái trước khi chín.
Trong nhiều thập kỷ, mận chua là một mặt hàng vừa túi tiền của người dân tầng lớp lao động, dù đó chỉ là loại quả năm nào cũng có. Nhưng giá cả tăng cao và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá trong những năm gần đây đã khiến "món ngon mỗi năm một lần" vắng bóng trên bàn ăn của người dân nước này.
Có lẽ vì vai trò của mận trong truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, các phương tiện truyền thông xã hội đã hoang mang trước các bài đăng thông báo 1kg mận xanh được bán với giá 690-750 lira Thổ Nhĩ Kỳ (47-51 USD). Ở một đất nước người dân có mức lương tối thiểu hàng tháng vào khoảng 290 USD, giá mận tăng lên đến mức mà nhiều người sẽ không thể mua.
Những người mua sắm đi dạo trên các lối đi của một khu chợ ở Konya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNBC
Mô hình kinh tế mới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nắm quyền từ năm 2002 và đã thực hiện những chính sách thị trường tự do giúp tái thiết nền kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây, ông Erdogan đã theo đuổi chiến thuật hạ lãi suẩt để giữ lạm phát không tăng. Đây là một cách tiếp cận ngược với cách các ngân hàng trung ương thường sử dụng.
Ông cho rằng cách tiếp cận của mình là "mô hình kinh tế mới". Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc làm, tăng trưởng, xuất khẩu và tín dụng lãi suất thấp.
Chính sách tiền tệ không thực sự hiệu quả
Arda Tunca, một nhà kinh tế độc lập và là nhà báo của trang tin PolitikYol của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với CNBC rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi kết quả của chính sách tiền tệ đó.
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ biến động. Nguồn: CNBC
Tunca nói: "Chính sách tiền tệ hoàn toàn không hoạt động. Thu nhập thực tế trên đầu người đã giảm dần trong 7-8 năm qua và sức mua đang suy yếu rất nhiều. Điểm quan trọng nhất là không thể làm gì để ngăn lạm phát tăng lên".
Trước áp lực chính trị, các ngân hàng trung ương đã phải hạ lãi suất. Từ tháng 9/2021, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu hạ lãi suất xuống 19% bất chấp lạm phát cao. Lãi suất hiện tại được giữ ở mức 14%.
Trong khi đó, đồng lira mất hơn 60% giá trị so với đồng USD chỉ trong 6 tháng.
Do ngành nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu nhiều mặt hàng từ hạt giống đến phân bón bằng đồng đô la, đồng lira trượt giá đã dẫn đến giá lương thực cao đối với các hộ gia đình.
Dữ liệu chỉ số tiêu dùng (CPI) của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thực phẩm và đồ uống không cồn tháng 3 đã tăng 70,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thổ Nhĩ Kỳ có đất đai màu mỡ cho nông nghiệp. Nhưng nước này đang phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản.
Nhà kinh tế học Tunca nói: "Chính phủ đương nhiệm không mở đường cho các nhà sản xuất địa phương phát triển năng lực của họ trong sản xuất và chế tạo".
Không có kế hoạch tăng lãi suất rõ ràng
Tunca nói rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã cần thay đổi cơ cấu trong nhiều thập kỷ. Cách duy nhất để rà soát lại các chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vì mục tiêu phát triển là định hình một bộ công cụ chính sách mới có khả năng hiện đại hóa nền kinh tế ".
Nhà kinh tế học cho biết: "Những người trên 40 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua thay đổi khốc liệt về bình đẳng thu nhập. Tuy nhiên, các thế hệ trẻ lần đầu tiên chứng kiến mức chênh lệch thu nhập cao như vậy".
Và vì thế, truyền thống ăn mận có thể vẫn là một ký ức xa vời với bộ phận lớn người dân trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham khảo CNBC
Khánh Ly