(Tổ Quốc) - Không chỉ chính phủ các nước phương Tây gây áp lực lên nền kinh tế của Nga, hàng chục công ty đa quốc gia cũng đang thực hiện điều tương tự.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quyết định ngừng kinh doanh ở Nga, ngay cả khi họ không bị bắt buộc phải làm như vậy. Hàng loạt công ty trong nhiều ngành khác nhau lần lượt rút lui khỏi Nga, như ông lớn công nghệ Apple, hãng nội thất khổng lồ Ikea, tập đoàn dầu khí ExxonMobil và hãng sản xuất ô tô General Motors.
Các công ty cho biết họ lo ngại đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Điều này đã gây ra phẫn nộ lan rộng khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Liệu họ có thực sự rút lui để tuân theo các lệnh trừng phạt của chính phủ hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Điều chắc chắn là có rất nhiều lý do để các công ty né tránh Nga.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự bất ổn. Khi đồng rúp Nga mất giá nghiêm trọng, việc đầu tư tiền và bán hàng hóa cho Nga được cho là một quyết định kinh doanh sai lầm. Tại sao lại gửi ô tô hoặc smartphone đến Nga khi nhu cầu và giá cả sản phẩm ở các thị trường phương Tây đang tăng mạnh?
Các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực ngân hàng của Nga có thể khiến việc đền bù cho một số thương vụ trở nên khó khăn. Nga cũng đang áp dụng các hạn chế nhằm vào những nỗ lực rút vốn khỏi đất nước. Điều này có thể đồng nghĩa với việc các công ty không thể thu lợi nhuận mà họ kiếm được ở Nga.
Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm GeoEconomics tại tổ chức tư vấn Atlantic Council, cho biết rằng các doanh nghiệp đang tự hỏi bản thân liệu họ có muốn tiếp tục kinh doanh ở nơi mà họ ký một hợp đồng không biết bao giờ mới được thực hiện. Sự khó khăn chung trong hệ thống tài chính của Nga khiến mọi thứ trở nên bất ổn. Và các doanh nghiệp ghét sự không chắc chắn.
Tuy nhiên, Lipsky cho biết, số lượng lớn các doanh nghiệp rút khỏi Nga là điều không bình thường, ngay cả đối với một cuộc khủng hoảng như thế này. Ông nói: "Nhìn chung, nếu có cơ hội, họ sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường".
Ngay cả Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng các hoạt động kinh doanh của các công ty trên toàn cầu đang tạo ra một cuộc khủng hoảng cho nền kinh tế của đất nước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc gọi với các nhà báo nước ngoài: "Nền kinh tế Nga đang hứng chịu những đòn giáng nghiêm trọng". Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được hãng thông tấn nhà nước TASS và RIA dẫn lời hôm 1/3 cho biết chính phủ Nga đang xem xét các bước có thể thực hiện để ngăn các doanh nghiệp phương Tây rút vốn ra khỏi Nga.
Một yếu tố giúp các doanh nghiệp dễ dàng làm ngưng trệ hoạt động ở Nga: Đất nước này không phải là cường quốc kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội của Nga nhỏ hơn khoảng 25% so với Ý và nhỏ hơn 20% so với Canada, quốc gia có dân số chỉ bằng một phần nhỏ của nước này.
Về cơ bản, Nga là nhà cung cấp năng lượng và các mặt hàng khác như lúa mì, gỗ xẻ và nhiều loại kim loại như nhôm. Hầu hết những mặt hàng này đều sẵn có ở những nơi khác.
Lipsky nói: "Có những lựa chọn thay thế. Các công ty có thể tìm thấy các thị trường, đối tác thương mại khác và đáp ứng tất cả các yêu cầu ủy thác cho các cổ đông của họ. Họ đã đưa ra quyết định rằng Nga không đáng để mạo hiểm".
Các công ty rõ ràng không thích rủi ro trong kinh doanh năng lượng. Những biện pháp trừng phạt của nhiều nước phương Tây cho đến nay đã miễn trừ cho lĩnh vực dầu mỏ của Nga, với hy vọng ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và tăng giá đột biến trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, phần lớn dầu của Nga vẫn không bán được, mặc dù đã giảm giá mạnh. Các nhà giao dịch không chắc rằng liệu bất kỳ giao dịch nào mà họ thực hiện đối với dầu của Nga có thể bị đóng lại do các lệnh trừng phạt nặng nề đối với các ngân hàng Nga hay không.
Việc tìm kiếm các tàu chở dầu để cập cảng của Nga rất khó khăn. Việc tìm kiếm các công ty bảo hiểm sẵn sàng đảm bảo cho tàu và các chuyến hàng cũng khó tương tự. Tất cả những điều này đã tạo ra thứ mà nhà phân tích dầu Andy Lipow của Lipow Oil gọi là "lệnh cấm trên thực tế" đối với dầu của Nga.
Theo CNN
Khánh Ly