(Tổ Quốc) - Chi phí thực phẩm, dầu mỏ và nguyên liệu thô cuối cùng cũng đẩy mức lạm phát của Nhật Bản chạm mục tiêu của NHTW, nhưng đây không phải là một điều đáng mừng.
Nhật Bản cuối cùng cũng chứng kiến lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản lần đầu tiên trong hơn 13 năm tăng 2%, một dấu hiệu cho thấy chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao đang ảnh hưởng đến cả một trong những khu vực chịu được lạm phát tốt nhất thế giới.
Mặc cho những con số về giá được công bố ngày 20/5 và các NHTW trên thế giới tăng lãi suất, NHTW Nhật Bản (BOJ) có khả năng sẽ tiếp tục chính sách giữ lãi suất gần bằng không.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi của Nhật Bản tiến tới mục tiêu 2% của NHTW. Song cả BOJ và các nhà kinh tế bên ngoài đều thấy rằng nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản tương đối yếu. Mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng khó có thể giữ vững.
Doanh nhân kỳ cựu Ernie Higa nói rằng chưa đến lúc để vui mừng. Ông Higa, Chủ tịch và là CEO của Higa Industries, trao đổi trên chương trình Squawk Box Asia: "Nói về lạm phát cũng giống như nói về cholesterol, có cholesterol tốt và xấu. Những gì Nhật Bản đang trải qua lúc này là lạm phát xấu".
Theo dữ liệu của chính phủ, CPI cốt lõi ở Tokyo, bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng, đã tăng 1,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của chính phủ cũng cho thấy giá tiêu dùng nói chung trong tháng 4 đã tăng 2,5% so với năm 2021.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2008, lạm phát đạt mức 2%, không tính đến tác động của việc tăng thuế bán hàng. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1991.
Mặc dù con số đó đạt được mục tiêu lạm phát khó thành công của NHTW Nhật Bản, sự gia tăng chi phí phần lớn đến từ giá thực phẩm và năng lượng. Nếu không tính giá thực phẩm tươi sống và giá năng lượng, CPI ở Nhật Bản chỉ tăng 0,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Higa giải thích rằng khi NHTW Nhật Bản công bố mục tiêu lạm phát 2%, họ đang muốn lạm phát do cầu kéo (demand-pull inflation). Khi đó, việc tăng lương sẽ tạo ra một "chu kỳ lành mạnh" của chi tiêu từ người tiêu dùng, khiến giá cả và tiền lương tăng.
Nhưng hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với lạm phát do chi phí đẩy (cost-push inflation). Trong đó, giá cả tăng nhưng tiền lương thì lại không theo kịp. Ông cho biết các nhà bán lẻ bị siết vì mọi chi phí tăng lên, nhưng lại không thể chuyển chi phí đó sang cho người tiêu dùng.
Các công ty Nhật Bản đã có kinh nghiệm lâu năm với tình trạng giảm phát hoặc giá cả liên tục giảm. Họ đã thận trọng trong việc tránh làm mất lòng những người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả tại Nhật. Nhưng một số công ty khác cho biết họ không còn lựa chọn nào.
Ngày 16/5, một chi nhánh của công ty nước giải khát Suntory Holdings Ltd. thông báo rằng hơn một nửa số sản phẩm của họ sẽ tăng giá bắt đầu từ tháng 10. Mức giá sẽ tăng từ 6% đến 20%, chủ yếu là các sản phẩm nước đóng chai và café hòa tan.
Khác biệt trong chính sách
Rõ ràng, Nhật Bản không phải là nền kinh tế lớn duy nhất đối mặt với áp lực giá cả. Các quốc gia khác như Mỹ và Anh hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về chi phí sinh hoạt được cho là nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố hôm 16/5 cho thấy giá mà các tập đoàn trả cho vật liệu và hàng hóa như dầu và thép trong tháng 4 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1981 khi so sánh dữ liệu.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là NHTW Nhật Bản tiếp tục áp dụng lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ ôn hòa, giữ lãi suất tương đối thấp. Các nhà hoạch định chính sách đã lưỡng lự trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Anh đang tăng lãi suất để chống lạm phát. Tại Mỹ, lạm phát là mối đe dọa lớn nhất với sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Mất cân bằng cung cầu và giá cả tăng đẩy lạm phát vượt trên 8%. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi lạm phát đã lan rộng sang nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác. Điều này buộc Fed nâng lãi suất và cam kết sẽ còn tăng cho đến khi lạm phát xuống 2%.
Sự khác biệt trong chính sách tổng quan góp phần khiến đồng yên Nhật mất giá mạnh cho đến thời điểm này. Đồng tiền này đã có lúc suy yếu, vượt qua ngưỡng 130 yên/USD.
Ông Higa nói rằng việc hoán đổi đồng yên rất quan trọng vì Nhật Bản nhập khẩu 60% lương thực, chưa kể đến 99% năng lượng. Do đó, việc đồng yên mất giá gây ra một vấn đề lớn. Ông nói thêm rằng giá trị đồng nội tệ Nhật Bản giảm so với đồng bạc xanh đang dẫn đến vấn đề chi phí cực lớn.
Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát 2% khó có thể kéo dài vì người tiêu dùng Nhật Bản thấy mức lương tăng không đủ để chấp nhận mức giá cả cao.
Nobuko Kobayashi, chuyên gia ngành bán lẻ tại công ty tư vấn EY, cho biết: "Thói quen lao động cứng nhắc ở Nhật Bản đồng nghĩa với việc dịch chuyển lao động ít hơn và do đó ít có khả năng tăng lương hơn, điều này cũng làm giảm khả năng lạm phát. Nhật Bản có khả năng vẫn giảm phát, giá cả và lương tăng ít hơn so với các nước phương Tây".
Trong một bài phát biểu ngày 13/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết Nhật Bản đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 chậm hơn so với Mỹ và châu Âu. Ông cho biết việc tăng giá là do chi phí năng lượng và thiếu tính bền vững, trong khi kỳ vọng lạm phát trung và dài hạn không tăng mạnh.
Ông nói: "Vai trò của chính sách tiền tệ trong những trường hợp này là hỗ trợ vững chắc sự phục hồi của tổng cầu bằng cách cung cấp các điều kiện tài chính phù hợp.
Dự báo của ngân hàng cho thấy lạm phát cơ bản có thể sẽ giảm xuống khoảng 1% trong những năm kết thúc vào tháng 3/2024 và tháng 3/2025.
Theo CNBC, WSJ
Khánh Ly