(Tổ Quốc) - Dành dụm được 28.000 USD (khoảng 650 triệu VNĐ) để dưỡng già, một nhà đầu tư ở Thượng Hải đã ném tất cả vào đồng tiền số Squid Game với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, mọi thứ biến mất khi giá giảm gần xuống 0.
Khi Bernard nghe nói về một đồng tiền số được ra đời theo cảm hứng từ bộ phim bom tấn "Squid Game", ông đã nhanh chóng lên Google để tra cứu về nó. Sau khi lướt qua tiêu đề các bài báo thay vì đọc cả bài, Bernard đã quyết định đầu tư khoản tiết kiệm 28.000 USD của mình vào đồng tiền số tự quảng bá là "chơi để kiếm".
Trong những bài báo mà Bernard chọn cách lướt qua title thay vì đọc nội dung, rất nhiều đã cảnh báo về SQUID, đồng tiền số vọt lên 2.860 USD/coin trước khi trở về gần mức 0 chỉ trong chớp nhoáng. Trước cú tăng và sập thảm khốc, không ít nhà đầu tư than vãn rằng họ không thể bán đồng tiền số này bất chấp giá của nó vẫn tiếp tục tăng chóng mặt.
"Tôi vội vàng mua vào với một ý nghĩ duy nhất trong đầu là ‘Squid Game’ hiện đang rất hot và cần phải mua tiền mã hóa của nó ngay lập tức. Đó là một bi kịch. Tôi không biết làm sao để kiếm lại số tiền đã mất", nhà đầu tư sống ở Thượng Hải, từ chối nêu tên đầy đủ bởi giao dịch tiền số là phạm pháp tại Trung Quốc.
Có lẽ, rất nhiều nhà đầu tư như Bernard, tự cho rằng SQUID có liên quan tới bộ phim bom tấn Squid Game. Tuy nhiên, chúng chỉ là đồng tiền số được tạo ra để ăn theo cơn sốt chứ không có bất kỳ liên quan nào với Netflix hay nhà sản xuất bộ phim. Khi giá rơi xuống mức gần 0, những người như Bernard bị kéo trở về một thực tế phũ phàng trong hành trình tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Cú sập thảm khốc của đồng tiền số Qquid Game.
Cú sập của Memecoin này một lần nữa nhắc nhở các nhà đầu tư về nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường tiền số, một hệ sinh thái đầy rẫy cái gọi là "những cú thảm sát". Nhà sáng lập có thể bỏ rơi dự án của mình đột ngột, cướp toàn bộ tiền của nhà đầu tư và khiến họ chịu những mất mát khổng lồ.
Trong tuyên bố chính thức trên kênh Telegram của mình, các nhà phát triển Squid nói với 89.000 thành viên: "Squid Game Dev không muốn tiếp tục điều hành dự án bởi chúng tôi đang chán nản với những kẻ lừa đảo và quá căng thẳng". Nó tương đương với một tuyên bố rằng các nhà đầu tư sẽ không bao giờ có cơ hội lấy lại những gì đã mất.
Mọi thứ về đồng tiền số này cũng đã biến mất.
Bernard cho biết anh đã liên hệ với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) về khoản đầu tư đã mất của mình. Bernard cũng đã liên hệ với nhóm đằng sau đồng tiền số này cũng như CoinMarketCap, website theo dõi hầu hết các đồng coin đang được niêm yết trên thị trường thuộc sở hữu của Binance. Tuy nhiên, không ai chịu trách nhiệm cho mất mát của Bernard.
Tự nhận mình là người có nhiều kinh nghiệm về tiền số, Bernard cũng đổ lỗi cho truyền thông về mất mát của anh. Tuy nhiên, nhà đầu tư này không đơn độc. Trên Twitter, rất nhiều nhà đầu tư cho rằng việc đưa thông tin về các Memecoin này chính là cách khiến chúng được chú ý nhiều hơn.
"Trong không khí giao dịch tiền số, mọi người có xu hướng vội vã và đôi khi FOMO – sợ bỏ lỡ", Bernard nói.
Không ít nhà đầu tư đã bỏ tiền vào SQUID nhưng đa số đều là những khoản tiền nhỏ. Họ có tâm lý "mất thì thôi" và kỳ vọng những khoản đầu tư này mang lại số tiền lớn hơn. Tuy nhiên, với những người đánh cược cả tài sản như Bernard, anh ta muốn những kẻ đứng đằng sau đồng tiền này phải chịu trách nhiệm. Đó là lý do Bernard báo cảnh sát và liên hệ với các nhà chức trách Mỹ khi không thể trình báo cảnh sát địa phương.
"Ở Trung Quốc, giao dịch tiền số không được hợp pháp cho lắm", Bernard nói với CNBC.
Linh Anh