Nghịch lý người Mỹ vung tiền chi tiêu bốc đồng dù lo ngại suy thoái kinh tế phía trước

(Tổ Quốc)- Ngay cả khi chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người Mỹ cho biết họ vẫn chi tiêu nhiều cho các khoản mua sắm ngẫu hứng.

Việc mua sắm nóng vội có thể khiến cho những kế hoạch tài chính tốt nhất cũng phải thất bại. Chưa hết, các bài quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội là thứ gần như không thể tránh khỏi.

Khi chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người Mỹ đang cảm thấy họ phải ôm đồm quá nhiều nỗi lo về suy thoái. Họ lao vào dự trữ tiền mặt và gần một nửa dân số nước Mỹ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Tuy nhiên, theo khảo sát của SlickDeals.net, 73% người trưởng thành cho biết hầu hết các khoản mua sắm của họ có xu hướng là tự phát. Con số này tăng vọt so với mức 59% của một năm trước.

Slickdeals cho biết người mua sắm hiện chi tiêu trung bình 314 USD/tháng để mua hàng, tăng so với mức 276 USD vào năm 2021 và 183 USD năm 2020.

Đại dịch thay đổi cách chi tiêu

Chắc chắn đại dịch đã thay đổi cách chi tiêu của mọi người.

Theo phân tích của công ty tư vấn McKinsey & Company, người tiêu dùng từ bỏ thói quen mua sắm lâu năm và chuyển sang thương mại điện tử.

Báo cáo cũng cho biết người Mỹ đang chi nhiều hơn cho quần áo, du lịch và trải nghiệm. Giờ đây, họ tin rằng họ có thể sở hữu bất cứ thứ gì mình muốn vào bất cứ lúc nào. Nhưng điều đó cũng khiến người mua hàng dễ bị rơi vào tình trạng mua sắm mà không suy nghĩ kỹ.

Theo một báo cáo gần đây của công ty cho vay trực tuyến SoFi, 56% người tiêu dùng cho biết hơn một nửa số giao dịch mua sắm trực tuyến của họ là tự phát. Phần lớn là do thói quen thay đổi sau đại dịch và sự gia tăng của trào lưu mua ngay trả sau (Buy now, Pay later - BNPL). Xu hướng này bùng nổ cùng với sự gia tăng chung của mua sắm trực tuyến.

BNPL, mạng xã hội và mua sắm bốc đồng đục khoét ngân sách

Một số nghiên cứu cho thấy mua ngay trả sau đóng một vai trò trong việc khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn số tiền họ có thể chi trả cho các khoản mua sắm bốc đồng.

Theo báo cáo của LendingTree, gần một nửa số người mua sắm cho biết họ sẽ không mua món hàng đó nếu họ không đủ điều kiện trả.

Các trang mạng xã hội như TikTok, Instagram và Facebook cũng đang thúc đẩy các hoạt động mua sắm.

Gần đây, Bankrate nhận thấy rằng gần một nửa số người dùng mạng xã hội đã thực hiện mua sắm ngẫu hứng khi thấy món hàng đó trên bảng tin của mình. Trong cuộc khảo sát của SoFi, 3/4 người tiêu dùng cho biết họ đã mua món hàng mà họ thấy trên mạng xã hội.

Giờ đây, sức hấp dẫn không chỉ đến từ những người nổi tiếng. Những người có sức ảnh hưởng (infuencers), thậm chí là bạn bè đăng ảnh trong nhà hàng, đi nghỉ mát hoặc mua sắm tạo ra một tâm lý muốn được bắt kịp với mọi người.

Gần 40% thanh niên cho biết họ chi tiêu nhiều tiền cho những trải nghiệm hơn là những nhu cầu thiết yếu như thanh toán hoá đơn. Một phần vì họ muốn chia sẻ điều đó trên mạng xã hội.

Nghịch lý người Mỹ vung tiền chi tiêu bốc đồng dù lo ngại suy thoái kinh tế phía trước - Ảnh 1.

Ảnh: Martin-dm | E +

Sự gia tăng chi tiêu thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng dẫn đến sự gia tăng của việc mua sắm khi không hoàn toàn tỉnh táo.

Với nhiều người tiêu dùng trực tuyến, khoảng 53% người trưởng thành thừa nhận rằng họ đã mua sắm trong khi "say" và món hàng phổ biến nhất là quần áo.

Sống trong hối tiếc

Mặc dù mạnh tay vung tiền, không ít người hối hận sau khi mua hàng. Theo khảo sát của DebtHammer.org, trong số những người đã sử dụng gói trả góp, 22% hối hận về quyết định của mình.

Còn theo báo cáo của Bankrate, 64% người mua sắm đã từng hối hận vì mua hàng khi xem mạng xã hội.

Theo SoFi, khi nói đến việc mua sắm lúc say xỉn, 65% người tham gia khảo sát không còn nhớ món hàng cho đến khi chúng được giao đến.

Tổng nợ thẻ tín dụng năm 2022 tăng ở mức 890 tỷ USD, chỉ kém mức kỷ lục của năm 2019.

Nguồn: CNBC

Thiên Di

Tin mới