(Tổ Quốc) - Bệnh viện dã chiến 6.000 giường nhưng có chưa tới 300 bệnh nhân bất chấp số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn ở mức cao nhất thế giới là nghịch lý đang tồn tại ở Indonesia.
Nhận được cuộc gọi thương tâm từ các gia đình ở Jakarta - trung tâm của một trong những đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất thế giới, anh Taufiq Hidayat dẫn đầu hàng chục người tình nguyện tới nhà của những người chết để ngăn không cho ai được chạm vào các thi thể.
Anh Taufiq cho biết: "Việc mặc đầy đủ bộ đồ bảo hộ trong khi di chuyển những cái xác ra khỏi các con hẻm nhỏ hoặc các căn hộ ở tầng cao thực sự khiến chúng tôi nóng nực và gặp nhiều khó khăn".
Kể từ đỉnh điểm của đợt dịch thứ hai ở Indonesia vào giữa tháng 7/2021, số lượng cuộc gọi đã giảm bớt nhưng vẫn có báo cáo về người chết tại nhà, mặc dù hàng nghìn giường bệnh tại các bệnh viện và trung tâm cách ly mới của đất nước vẫn còn đang trống.
Theo LaporCovid-19, một nền tảng báo cáo công dân trực tuyến chuyên nhận thông tin từ các gia đình và quan chức địa phương, tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 8/2021, gần 50 người đã chết tại nhà vì Covid-19. Fariz Iban, nhà phân tích dữ liệu của trang web, cho biết, số ca tử vong trong tháng Bảy đã tăng lên khoảng 2.400, gấp sáu lần so với tháng Sáu. Ông gọi con số này là "phần nổi của tảng băng".
Hầu hết các trường hợp tử vong đều ở Jakarta, vì đó là nơi duy nhất chính quyền địa phương chia sẻ số liệu về các trường hợp tử vong tại nhà do Covid-19.
Tuy nhiên, khi đỉnh dịch qua đi, Indonesia cũng đã phản ứng tốt hơn. Một khu chung cư giá rẻ có tên Pasar Rumput sẽ được cải tạo để cung cấp gần 6.000 giường bệnh mới. Bệnh viện dã chiến này đã khai trương theo kế hoạch. Nhưng tính đến tuần này, các báo cáo của địa phương cho thấy có chưa đến 300 người đang được điều trị tại đây.
Bà Siti cho biết Indonesia có hơn đủ giường cho khoảng 30.000 ca bệnh mới được báo cáo mỗi ngày. Bà nói: "Bây giờ chúng tôi thực sự không thấy bất kỳ khó khăn nào trong việc tiếp cận điều trị các bệnh nhân Covid-19 dù là ở các trung tâm cách ly hay bệnh viện".
Tuy nhiên, mặc dù số giường lớn, những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn được lựa chọn ở nhà. Điều này không chỉ khiến nỗ lực cấp cứu có thể không kịp thời mà còn khiến virus lây lan mạnh hơn trong cộng đồng bởi sự tiếp xúc giữa những người thân với nhau và cả với cộng đồng.
"Những người có các triệu chứng vừa phải hơn, họ cần đến trung tâm cách ly. Những người có các triệu chứng rất nặng, bao gồm cả khó thở, họ nên đến bệnh viện. Hiệp hội Y tế Indonesia đang thúc giục chính phủ thay đổi chính sách của mình để đưa các bệnh nhân Covid-19 tới nơi điều trị", bà Siti nhấn mạnh.
Linh Chi