Ngoài Evergrande, vẫn có các nhà phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí mức độ vỡ nợ còn “thảm” hơn

(Tổ Quốc) - Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Tập đoàn Evergrande vào tháng 9 vừa qua đã làm chao đảo thị trường toàn cầu khi cảnh báo nguy cơ vỡ nợ với những khoản thanh toán khổng lồ. Theo đó, nhiều nhà phát triển cũng đã công khai thú nhận tương tự, khiến các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về sự lây lan của tình trạng này trong toàn bộ lĩnh vực rộng lớn.

Hiện chưa rõ cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết như thế nào. Các công ty có thể cố gắng cơ cấu lại những khoản nợ và giải quyết mọi việc với người cho vay, hoặc họ cũng có thể tìm kiếm các gói cứu trợ từ phía chính phủ Trung Quốc.

Đầu tháng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói rằng Evergrande đã quản lý sai hoạt động kinh doanh của mình, nhưng rủi ro đối với hệ thống tài chính là "có thể kiểm soát được." Và tại diễn đàn tài chính ở Bắc Kinh tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He nhấn mạnh rằng các rủi ro nhìn chung đã được kiểm soát, bất chấp điều mà ông gọi là "các vấn đề riêng lẻ" trên thị trường bất động sản.

Lựa chọn cuối cùng - và tệ nhất - sẽ là một loạt các vụ vỡ nợ mất trật tự, sẽ gây ra những làn sóng xung kích khắp nền kinh tế Trung Quốc, và có thể còn hơn thế nữa. Năm nhà phát triển đã gặp khó khăn khi ngành bất động sản nóng sốt một thời của Trung Quốc nguội đi nhanh chóng.

Evergrande

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng trước với cảnh báo của Evergrande, làm dấy lên lo ngại về việc các ngân hàng và nhà đầu tư trên toàn thế giới có thể phải bị liên lụy hứng chịu núi nợ của tập đoàn này.

Với tổng nợ khoảng 300 tỷ USD, bao gồm 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế, Evergrande là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc. Vào cuối tháng 9, Evergrande đã huy động được 1,5 tỷ USD tiền mặt bằng cách bán một phần cổ phần của mình trong một ngân hàng Trung Quốc.

Trong tháng này, công ty đã chứng minh một số nỗ lực của mình để lấy lại vị thế vững chắc. Tuần trước, công ty đã trả lãi 83,5 triệu USD cho một trái phiếu mệnh giá USD để tránh nguy cơ vỡ nợ, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Tiếp đó, gã khổng lồ bất động sản này cũng đã tiếp tục thực hiện hơn 10 dự án nhà ở tại tỉnh Quảng Đông, những dự án này sẽ được giao cho người mua nhà lần lượt.

Chủ tịch Xu Jiayin của công ty thậm chí đã nói về việc đưa Evergrande phát triển theo một hướng mới. Tuần trước, ông Xu nói rằng công ty muốn đưa xe điện trở thành lĩnh vực kinh doanh chính trong vòng một thập kỷ. Ý tưởng này sẽ là một thách thức, vì công ty con chịu trách nhiệm về mảng kinh doanh đó vẫn chưa “trình diện” một chiếc xe nào.

Evergrande vẫn chưa giải quyết hết các khoản nợ của mình. Dù đã nỗ lực bán bớt một số doanh nghiệp của mình để lấy tiền mặt nhưng mọi chuyện vẫn không suôn sẻ. Chỉ vào tuần trước, Evergrande cho biết họ đã hủy bỏ một thỏa thuận bán cổ phần kiểm soát trong đơn vị quản lý bất động sản của mình cho một nhà phát triển đối thủ của Trung Quốc, Hopson, với số tiền 2,6 tỷ USD.

Tuần này cũng là thời gian ân hạn 30 ngày của khoản thanh toán lãi suất 47,5 triệu USD cho một trái phiếu nước ngoài khác, sẽ hết hạn vào thứ Sáu. Cổ phiếu của Evergrande đã giảm khoảng 80% trong năm nay và giá trị thị trường của tập đoàn đã giảm xuống chỉ còn 5 tỷ USD.

Fantasia

Nhà phát triển căn hộ cao cấp Fantasia Holdings đang đứng trên bờ vực. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã không trả được khoản nợ 315 triệu USD cho những người cho vay vào đầu tháng này, bao gồm khoản trả nợ trái phiếu trị giá 206 triệu USD và khoản vay 700 triệu nhân dân tệ (109 triệu USD) từ đơn vị quản lý bất động sản của Country Garden, nhà phát triển lớn thứ hai của Trung Quốc. Fantasia nói rằng họ có thể sẽ "không trả được nợ bên ngoài", theo Country Garden.

S&P và Moody's đã xếp hạng tín nhiệm "vỡ nợ" đối với Fantasia và cho biết việc không thanh toán nợ gốc cũng có thể khiến công ty rơi vào tình trạng vỡ nợ đối với các trái phiếu còn lại. Cổ phiếu của công ty hiện có giá trị thị trường là 420 triệu USD, đã giảm gần 60% trong năm nay.

Tập đoàn China Properties

Tập đoàn China Properties trong tháng này cho biết công ty con của họ, Tập đoàn Cheergain, đã không trả được khoản thanh toán trị giá 226 triệu USD. Công ty mẹ nói rằng họ "không thể tài trợ số tiền còn nợ đúng hạn cho đến khi hoàn thành việc bán hoặc tái cấp vốn cho một số tài sản nhất định”. Cổ phiếu của nhà phát triển, được niêm yết tại Hồng Kông, đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 4, "và sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới", theo hồ sơ trên sàn chứng khoán.

Modern Land

Công ty phát triển Modern Land có trụ sở tại Bắc Kinh đã trở thành công ty bất động sản mới nhất không trả được nợ. Trong một đệ trình lên sàn giao dịch chứng khoán hôm thứ Ba, Modern Land cho biết họ đã không trả được tiền gốc hoặc lãi cho trái phiếu trị giá 250 triệu USD khi đến hạn vào ngày 25/10.

Công ty cho biết họ không thể hoàn thành thời hạn do “các vấn đề thanh khoản bất ngờ phát sinh vì tác động bất lợi của một số yếu tố bao gồm môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường ngành bất động sản và đại dịch Covid-19 mà tập đoàn phải đối mặt”.

Modern Land hiện đang làm việc với cố vấn pháp lý Sidley Austin và hy vọng sẽ sớm thu hút được các cố vấn tài chính độc lập, hồ sơ cho biết thêm. Cổ phiếu của Modern Land đã giảm gần 50% trong năm nay, cắt giảm giá trị thị trường xuống còn 160 triệu USD.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Mặc dù số lượng tương đối nhỏ, nhưng những lo ngại liên tục về lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc dường như đang đè nặng lên tâm lý ở châu Á”.

Sinic Holdings

Công ty xây dựng nhà Sinic Holdings cũng tham gia vào hàng ngũ các nhà phát triển đang gặp khó khăn. Người đại diện cho biết trong tháng này rằng họ có thể sẽ vỡ nợ đối với một số khoản thanh toán trái phiếu trị giá 250 triệu USD.

Tiền gốc và lãi của những trái phiếu đó đã đến hạn vào ngày 18/10. Tính đến tuần trước, công ty đã không công khai tình trạng mới nhất của các khoản thanh toán và cũng không trả lời yêu cầu bình luận vào thời điểm đó.

Trong tháng này, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ Sinic xuống hạng "C", chỉ cao hơn một bậc so với "vỡ nợ hạn chế". Cơ quan cho biết công ty không thanh toán được nhưng vẫn chưa bắt đầu quy trình phá sản hoặc thanh lý chính thức.

Năm nay, cổ phiếu của Sinic bị ảnh hưởng nhiều nhất so với 4 nhà phát triển kể trên, giảm gần 90%. Giá trị thị trường của công ty hiện đạt khoảng 230 triệu USD, và họ cũng đã bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu trong tháng qua.

Linh Chi

Tin mới