(Tổ Quốc) - Sau sự sụp đổ của Luna, Do Kwon đang phải đối diện với những vụ kiện, cáo buộc công ty này lừa đảo. Theo các luật sư và công tố viên, nhà sáng lập 30 tuổi sẽ phải nộp phạt cả chục tỷ đô.
Do Kwon – nhà sáng lập 30 tuổi người Hàn Quốc của dự án stablecoin trị giá 60 tỷ USD, có khả năng thuyết phục nhà đầu tư về những gì anh ta đang phát triển. Gần đây nhất, Kwon bán "tầm nhìn" của mình về một loại hệ thống thanh toán mới, có khả năng thay thế các đồng tiền tệ trên thế giới.
TerraUSD (UST) và đồng Luna là nhân vật chính của dự án này. UST là một stablecoin được neo giá theo đồng USD và được nhắm mục tiêu sẽ thay thế các giao dịch tài chính bằng tiền pháp danh thông thường trên thế giới. Kế hoạch này đã giúp đồng Luna giữ vững mức neo giá và thu hút rất nhiều nhà đầu tư vì giá trị của nó được đánh giá cao. Ngoài ra, họ cũng có thể kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch giá của UST và Luna.
Điều mà Kwon quan tâm nhất của dự án này có lẽ là "bơm thổi". Anh ta từng được coi là Satoshi Nakamoto thế hệ tiếp theo – "cha đẻ" của Bitcoin, và một chút gì đó ngỗ ngược giống tỷ phú Elon Musk. Hứa hẹn về khoản lãi 20%, Kwon đã huy động được 207 triệu USD cho Terraform Labs và có những phát biểu không mấy lịch sự trên Twitter, khi chỉ trích người không ủng hộ Luna là "kẻ nghèo".
Giờ đây, cả 2 token này đều trở thành thứ vô giá trị. Sự sụp đổ này có ảnh hưởng không hề nhỏ khi khiến cả thị trường tiền số lao dốc, xóa sổ nửa nghìn tỷ USD vốn hóa. Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư cũng bị lung lay sau vụ việc này.
Dẫu vậy, Kwon vẫn đang lên kế hoạch để cho ra mắt đồng tiền số của riêng mình, nhưng lần này nhà đầu tư lại "quay lưng" với anh ta. Trong khi đó, chính phủ có thể sẽ chú ý đến trường hợp này.
Khả năng nộp phạt hoặc ngồi tù
Người phát ngôn của Terraform Labs từ chối bình luận về các thủ tục tố tụng dân sự hoặc hình sự mà công ty này hay Kwon phải đối mặt. Nhưng các cựu công tố viên liên bang và nhà quản lý nói với CNBC rằng hậu quả của việc đồng stablecoin này sụp đổ có thể là những án phạt dành cho Kwon.
Tại Mỹ, việc một doanh nhân hay giám đốc điều hành phán đoán sai về dự án không được coi là phạm tội. Ở trưởng hợp của Kwon, các công tố viên sẽ phải chứng minh rằng Kwon hoặc các cộng sự của anh ta có hành vi gian lận hình sự và cần bằng chứng cho thấy bị cáo lừa đảo nhà đầu tư.
Randall Eliason – người đã có 12 năm kinh nghiệm làm trợ lý luật sư ở Washington, giải thích: "Trường hợp này giống như vụ giết người mà bạn đưa nhân chứng đến để làm chứng cho kẻ gây ra vụ việc. Quy trình giải quyết sẽ kéo dài, bao gồm việc xem xét rất nhiều tài liệu và trao đổi với rất nhiều người cùng luật sư của họ, sắp xếp thời gian của bồi thẩm đoàn và hầu tòa."
Theo Renato Mariotti – cựu công tố viên liên bang và luật sư xét xử, người đại diện cho nhiều khách hàng trong các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, ngay cả khi các công tố viên có thể chỉ ra rằng bị cáo khai báo gian dối, thì họ còn phải chứng minh bị cáo không do dự khi làm việc đó. Quá trình này phải được thực hiện qua việc kiểm tra email hay tin nhắn để vạch ra kế hoạch lừa đảo."
Eliason lấy ví dụ về trường hợp Elizabeth Holmes của Theranos. Công ty này sử dụng máy của công ty khác để xét nghiệm máu, nhưng lại thông báo với nhà đầu tư rằng sản phẩm đó do họ sản xuất. Ông cho hay: "Những yếu tố như vậy chứng minh khá rõ ràng về mục đích lừa đảo."
Trong khi đó, những trường hợp tương tự phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để giải quyết và có bản án khá nghiêm khắc.
Stefan Qin – nhà sáng lập quỹ phòng hộ tiền số 90 tỷ USD tại Úc, đã bị kết án hơn 7 năm tù, sau khi anh ta nhận tội danh gian lận chứng khoán. Roger Nils-Jonas Karlsson – công dân Thụy Điển, bị Mỹ buộc tội lừa đảo hơn 3.500 nạn nhân với số tiền hơn 16 triệu USD và bị kết án 15 năm tù vì tội gian lận chứng khoán, gian lận chuyển tiền và rửa tiền.
Một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc đã đệ đơn kiện Kwon và nhà đồng sáng lập của Terraform Labs với 2 tội danh trong đó có gian lận. Các hình phạt đối với công ty này có thể bao gồm lệnh cấp, điều chỉnh (trả lại tiền) hoặc phạt tiền dựa trên các khoản lỗ của nhà đầu tư - ở trường hợp của Terreform sẽ là hàng chục tỷ USD.
Ở những quốc gia khác, Kwon có thể cũng phải nhận án phạt tại Hàn Quốc – nơi anh ta đang sống và điều hành công việc ở trụ sở Singapore. Hiện tại, Seoul đang linh hoạt hơn đối với cơ chế thẩm quyền, vì cơ quan thuế của quốc gia này được cho là đã yêu cầu Kwon và Terraform Labs nộp 80 triệu USD (100 tỷ won) tiền thuế. Trong bối cảnh đó, Terraform Labs đang mất đi một số luật sư sau khi bộ phận pháp chế của họ được cho là đã nghỉ việc sau cú sập này.
Kế hoạch "hồi sinh Luna"
Kể từ khi Luna lao dốc, Kwon vẫn rất quyết tâm theo đuổi tham vọng của mình. Trong vòng vài ngày sau thảm họa, anh ta đã loại bỏ UST và khởi chạy lại token mới. Người phát ngôn của công ty cho biết họ đã chỉnh sửa một số yếu tố kỹ thuật và thông báo về sự thay đổi với kế hoạch "hồi sinh Luna".
Theo CoinMarketCap, đồng Luna mới được niêm yết hiện đang giảm hơn 10% giá trị trong 24 giờ trước. Song, kế hoạch lần này vẫn nhận được sự hậu thuẫn lớn của nhiều nhà đầu tư nổi tiếng. Nếu Luna 2.0 thành công, các khoản lỗ của nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ có thể sẽ được bù đắp.
Những quỹ ủng hộ cho dự án mới này có những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, bao gồm Lightspeed Venture Partners và Coinbase Ventures. Three Arrows Capital và Jump Crypto cũng mua Luna. Binance và FTX cho đến nay cũng công khai ủng hộ kế hoạch mới của Kwon. Khi Binance đưa Luna 2.0 lên sàn giao dịch hôm thứ Ba, đồng tiền này đã tăng giá 90%.
Tham khảo CNBC
Chi Lan