(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho nền kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giới nhà giàu lại được hưởng lợi từ căn bệnh này.
Ước tính, năm ngoái, 5,2 triệu người đã trở thành triệu phú USD, trong khi số người sở hữu khối tài sản ít nhất 50 triệu USD chiếm gần ¼.
Một báo cáo của Credit Suisse cho thấy, tổng tài sản trên toàn cầu được các hộ gia đình tích lũy đã tăng khoảng 28,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020, khi thị trường tài chính tràn ngập "tiền rẻ" nhờ những biện pháp hỗ trợ của các NHTW. Báo cáo được thực hiện bởi nhóm các nhà kinh tế Anthony Shorrocks, James Davies và Rodrigo Lluberas.
Giá cổ phiếu và bất động sản tăng cao đã nâng tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình lên khoảng 418,3 nghìn tỷ USD (đã trừ các khoản nợ), tương đương mức tăng 4,1%. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình hàng năm trong 2 thập kỷ qua, ngay cả khi các nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn với cuộc khủng hoảng y tế.
Báo cáo của Credit Suisse cho biết: "Sự trái ngược giữa những gì diễn ra đối với tài sản hộ gia đình và nền kinh tế đang trở nên rõ ràng hơn." Kết quả từ bản báo cáo cho thấy những người giàu nhất đã được hưởng lợi nhiều nhất từ các phản ứng chính sách của NHTW, khiến khoảng cách giàu nghèo ở hầu hết các quốc gia đều tăng lên.
Trong khi đó, tổng giá trị tài sản của các cá nhân sở hữu ít nhất 1 triệu USD đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2000, lên 191,6 tỷ USD. Số lượng người thuộc nhóm triệu phú này trên toàn cầu tăng từ 35% lên 65%.
Ước tính, có khoảng 2,9 tỷ người (tương đương 55% tổng số người trưởng thành) sở hữu khối tài sản dưới 10.000 USD. Nhóm tác giả cho biết: "Sự chênh lệch về sự giàu có giữa những người trưởng thành đã tăng lên vào năm 2020 trên toàn thế giới và ở hầu hết các quốc gia."
Nghiên cứu của Credit Suisse ước tính có 56,1 triệu phú USD trên toàn cầu vào cuối năm 2020, tăng 5,2 triệu USD so với 1 năm trước đó. Khoảng 1/3 số triệu phú mới đến từ Mỹ.
Trong khi khoảng 90% triệu phú có giá trị tài sản ròng dưới 5 triệu USD, thì khoảng 7 triệu người sở hữu nhiều hơn con số này. 251.030 người nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 50 triệu USD, tăng cao hơn so với mức kỷ lục 1 năm trước là 173.620 người.
Các tác giả cho hay: "Đây là mức tăng cao nhất so với bất kỳ năm nào, nhưng điều này lại đặc biệt nổi bật trong 1 năm nền kinh tế và xã hội trải qua sự bất ổn. Bản chất của những ứng chính sách đối với đại dịch chính là yếu tố có ảnh hưởng lớn."
Tại Ấn Độ, Indonesia và Nga, số lượng triệu phú chưa nhiều, với tỷ lệ khoảng 1/1000 người trưởng thành và Trung Quốc tỷ lệ chỉ là 1/200. Trong khi đó, tại Mỹ, triệu phú chiếm tới 8% dân số và Thụy Sĩ là 15%. Phương pháp tính giá trị tài sản của Credit Suisse bao gồm cả nhà ở và các loại tài sản có thể đầu tư.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch lại ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá trị tài sản ròng hộ gia đình. Nghiên cứu cho thấy, Bắc Mỹ và châu Âu chứng kiến xu hướng tăng tích cực nhất, với giá trị tài sản ròng tăng khoảng 10%.
Lục Lam