(Tổ Quốc) - Dẫn các nguồn thạo tin, tờ New York Times cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đưa ra thông báo về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga trong ngày 8/3.
Theo đó, Tổng thống Biden đang có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga và một thông báo sắp được đưa ra. Các nhà lập pháp từ lưỡng đảng của Mỹ cũng đang liên tiếp gia tăng sức ép để Nhà Trắng ban bố biện pháp cấm vận này, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Theo nguồn thạo tin, ông Biden dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính thức vào ngày 8/3 theo giờ Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng dự kiến cũng sẽ có phát biểu về cuộc khủng hoảng Ukraine trong sáng ngày hôm nay. Nhà Trắng từ chối bình luận về nội dung này.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Tuy nhiên, lĩnh vực dầu mỏ tới nay vẫn miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt. Phương Tây lo sợ trừng phạt dầu mỏ Nga có thể gây ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu, khi Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Ngay cả khi chưa áp đặt các lệnh trừng phạt, giá dầu Brent có lúc đã lên tới 140 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 7/3.
Tổng thống Biden được cho là sẽ làm tất cả có thể nhằm ngăn đà tăng của giá dầu và xăng tại Mỹ. Một số cố vấn của ông cũng nói rằng việc cấm vận dầu Nga có thể làm trầm trọng hơn cơn sốt giá dầu.
Trong khi đó, sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu Nga khiến bất cứ quyết định nào về việc cấm nhập khẩu dầu của Moscow đều sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Phía Mỹ cho biết họ liên lạc thường xuyên với các đồng minh châu Âu khi thảo luận về lệnh cấm nhằm vào Nga.
Các nhà phân tích dầu mỏ nói rằng các biện pháp trừng phạt trước đây nhằm vào Nga đã không khuyến khích các đối tác nước ngoài mua dầu của Moscow. Chỉ riêng điều này đã khiến giá dầu tăng mạnh trong những ngày gần đây và thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ gián đoạn.
Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng quốc gia này vẫn phải nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày từ các khu vực khác khi họ tiêu thụ dầu nhiều hơn so với sản lượng khai thác trong nước.
Trong khi đó, dầu của Nga chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong dầu thô mà Mỹ nhập khẩu. Washington nhập phần lớn dầu từ Canada, Mexico và Ả rập Xê út.
Số liệu cho thấy khoảng 8% dầu và các sản phẩm tinh chế của Mỹ, tương đương 672.000 thùng/ngày, đến từ Nga trong năm 2021. Trong đó, dầu thô của Nga chiếm 3% tổng nhập khẩu của Mỹ, tương đương khoảng 200.000 thùng/ngày. Dầu Nga chứa nhiều lưu huỳnh nên có thể phù hợp với một số nhà máy lọc dầu của Mỹ nhằm tạo ra loại nhiên liệu hiệu suất cao hơn so với các loại dầu của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, châu Âu dường như sẽ không ngay lập tức trừng phạt dầu Nga. Các số liệu cho thấy 40% nhu cầu khí và 25% nhu cầu dầu của châu Âu do Nga cung cấp. Việc quay lưng với dầu Nga sẽ ngay lập tức tạo ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung trên quy mô toàn cầu chứ không chỉ ở châu lục này.
Phía Nga cũng tuyên bố sẽ trả đũa nếu phương Tây nhằm vào xuất khẩu dầu của họ bằng cách cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu và khí đốt cho châu Âu. Nga nhấn mạnh rằng họ có các phương án khác cho dầu của mình nếu châu Âu tiến hành cấm vận.
Tham khảo: New York Times
Linh Anh