(Tổ Quốc) - Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa: Xung đột ở Ukraine, hóa đơn hàng tạp hóa cao, giá xăng dầu tăng vọt, chuỗi cung ứng bị chia cắt, đại dịch kéo dài và lãi suất tăng làm chậm tăng trưởng.
Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông Biden đang đặt cược rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống lại những mối đe dọa này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cử tri và một số nhà phân tích Phố Wall cảm thấy lo ngại về sự suy giảm kinh tế sắp tới.
Lạc quan giữa những khó khăn chồng chất
Nước Mỹ đang dõi theo để kiểm chứng xem trong vài tháng tới, liệu Tổng thống Joe Biden có xây dựng được sự phục hồi lâu dài, có đủ việc làm cho tất cả mọi người với gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của năm ngoái hay không. Hay đó sẽ là một nền kinh tế chỉ toàn là sự viện trợ của chính phủ để rồi đi vào suy thoái.
Và họ cũng đặt ra câu hỏi liệu Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể khiến cử tri nhìn thấy tận mắt trong đời việc lạm phát được chế ngự và nền kinh tế được quản lý một cách hiệu quả mà không tăng nóng hay không.
Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, nói với các phóng viên trong tuần này rằng tỷ lệ thất nghiệp 3,6% và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của năm ngoái đã đưa Mỹ vào vị trí an toàn so với phần còn lại của thế giới.
Ông Deese nói: "Những gì chúng tôi đã làm trong suốt 15 tháng qua là nhờ vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tự lực ở Mỹ, điều này giúp chúng tôi có thể đối phó tốt với những thách thức phía trước".
Nhưng nhiều người khác đang nhìn nhận đây là một nền kinh tế có thể phải vật lộn để duy trì tăng trưởng trong khi lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm là 7,9%. Cục Dự trữ Liên bang đã báo hiệu một loạt các đợt tăng lãi suất cơ bản và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát trong năm nay. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã gây bất ổn cho thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu khiến giá cả tăng vọt.
Deutsche Bank hôm thứ Ba tuần trước đã trở thành tổ chức tài chính lớn đầu tiên dự báo về một cuộc suy thoái của Mỹ. Nhà kinh tế học Larry Summers của Đại học Harvard - một thành viên Đảng Dân chủ và là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đã suy thoái trong vòng hai năm mỗi khi lạm phát giảm 4% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% như hiện tại.
Joe LaVorgna, người từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời của ông Donald Trump và hiện là nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại Natixis, cho biết ông dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ chỉ dưới 1%. Đó là mức nguy hiểm tiềm tàng.
Trong khi bảng cân đối của hộ gia đình ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương không theo kịp với lạm phát, điều này có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí năng lượng cao hơn sẽ càng khiến khó khăn chồng chất.
Ông LaVorgna nói: "Tại sao lại bị suy thoái khi nền kinh tế đang tăng trưởng 1%? Lý do chính là nó giống như một hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Bất kỳ sự kiện tiêu cực nào, dù chỉ là một sự kiện nhỏ, sẽ khiến bạn đi chệch hướng và tốc độ chững lại sẽ trở thành suy thoái."
Tuy nhiên, do thị trường lao động phát triển mạnh mẽ và tiết kiệm hộ gia đình, ông LaVorgna cũng dự đoán rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra cũng sẽ không quá mạnh.
Nhấn mạnh vào tỷ lệ thất nghiệp thấp
Cho đến nay, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định ngay cả khi người dân thấy nền kinh tế đang yếu kém.
Gần 7/10 người Mỹ tin rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ, theo một cuộc thăm dò vào tháng trước của Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của Associated Press-NORC. Tuy nhiên, Bank of America lưu ý rằng tổng chi tiêu bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trong tháng 3 đã tăng 11% so với một năm trước và các nhà phân tích kết luận rằng các hộ gia đình "đủ sức để vượt qua cơn bão miễn là nó không kéo dài quá lâu".
Cũng có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang điều chỉnh lại chi tiêu vì giá dầu cao hơn đã khiến giá xăng trung bình chạm mức 4,15 USD/gallon, theo AAA. Giá khí đốt đã giảm trong tuần qua, nhưng vẫn tăng 45% so với một năm trước.
Một hệ quả của việc giá cả cao hơn là người Mỹ bắt đầu sử dụng ít dầu và khí đốt hơn. Mỹ tiêu thụ trung bình hàng ngày là 21,9 triệu thùng trong cả tuần đầu tiên của tháng 2. Con số này giảm 9% xuống 19,9 triệu thùng trong tuần đầu tiên của tháng 4, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng. Sự sụt giảm đó lớn hơn mức giảm bình thường theo mùa vào năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch. Việc sử dụng xăng đã giảm hơn 6% trong cùng thời kỳ.
Một ghi chú nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs gây chú ý với các quan chức chính quyền ông Biden khi họ cho rằng tăng trưởng việc làm và tăng lương sẽ giúp hạ nhiệt giá hàng hóa. Do thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế có sự phòng vệ tốt hơn khỏi các cú sốc hàng hóa so với các cuộc suy thoái năm 1974, 1980 và 1990, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chính quyền ông Biden cho rằng việc Fed tăng lãi suất cũng như giảm chi tiêu thâm hụt trong năm nay sẽ giúp giảm lạm phát. Nhưng thông điệp chính mà Nhà Trắng truyền tải đến công chúng về nền kinh tế là ông Biden hiểu rõ những lo ngại của họ.
Tuy nhiên, thách thức được đặt ra cho chính quyền ông Biden là nhiều người Mỹ đang quá tập trung vào lạm phát đến mức họ tin rằng thị trường việc làm và cả nền kinh tế rộng lớn đang rất yếu, trong khi thực tế có thể không tồi tệ đến vậy. Điều đó có nghĩa là Nhà Trắng cần ghi nhận những yếu kém về kinh tế nhưng đồng thời luôn nhấn mạnh và lặp lại rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp và hy vọng công chúng sẽ ghi nhớ trong tâm trí.
Tham khảo AP News
Minh Phương