(Tổ Quốc) - Với luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt, Nhật Bản có tỷ lệ giết người bằng súng thấp nhất thế giới. Bạo lực chính trị cũng rất hiếm khi xảy ra ở quốc gia này. Lần gần nhất một yếu nhân tầm cỡ như cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát ở Nhật là gần 90 năm trước.
Luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gây chấn động Nhật Bản, quốc gia có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới. Sự việc đã khiến dư luận nước này bàng hoàng. Với khẩu súng tự chế, kẻ ám sát đã bắn 2 viên đạn vào người vị cựu Thủ tướng Nhật Bản trong sự kiện vận động tranh cử chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra.
Ông Abe đã không qua khỏi.
Giáo sư Benoit Hardy-Chartrand của Đại học Temple, Nhật Bản nhận định: "Vụ xả súng là đặc biệt bi thảm và đáng kinh ngạc vì đây là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới".
Người Nhật đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Shinzo Abe.
Chia sẻ với Al Jazeera, ông Hardy-Chartrand nhấn mạnh vụ ám sát không phải là điều mà người Nhật thường thấy. Họ rất, rất hiếm khi phải chứng kiến các vụ xả súng như vậy. Nhật Bản cũng là quốc gia có số vụ giết người thấp nhất trên thế giới.
Trong khi đó, súng được quản lý rất nghiêm ngặt ở quốc gia 127 triệu dân. Các vụ tử vong vì súng mỗi năm thường chỉ là những con số đơn lẻ, hiếm khi vượt qua 10 người/năm. Xin giấy phép sử dụng sũng cũng là một quá trình lâu dài và phức tạp. Quy định hạn chế súng đạn hiếm khi cho phép cá nhân sở hữu súng.
Thợ săn và những người yêu thích bộ môn bắn súng được phép sở hữu súng lục và súng hơi. Tuy nhiên, để có được giấy phép này, họ phải tham gia nhiều lớp học, vượt qua các bài kiểm tra lý thuyết, đánh giá sức khỏe tâm thần và rà soát lý lịch chặt chẽ. Bài thi thực hành cũng cần đạt điểm gần như tuyệt đối.
Kẻ tình nghi sát hại ông Abe đã sử dụng vũ khí tự chế. Truyền thông địa phương nói rằng người đàn ông ngoài 40 tuổi này từng là thành viên lực lượng phòng về Nhật Bản. Khám nhà nghi phạm, cảnh sát phát hiện hàng loạt khẩu súng tự chế khác. Chúng tương tự với thứ vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát.
Tina Burrett, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cambridge, chia sẻ: "Đây thực sự là vụ việc gây sốc với công chúng Nhật. Rất hiếm người dân ở quốc gia này có thể sở hữu súng cá nhân".
Theo bà Burrett, vụ ám sát có khả năng do nghi phạm "bốc đồng" nhưng súng tự chế rõ ràng đang trở thành nỗi lo mới của người Nhật. Việc người Nhật tự chế tạo vũ khí cũng không phải điều thường thấy ở quốc gia này.
Năm 2014, Nhật Bản đã tiến hành vụ bắt giữ đầu tiên vì chế tạo súng bằng máy in 3D. Tự chế tạo súng có thể phải lãnh án lên tới 15 năm tù.
Small Arms Survey, một tổ chức toàn cầu theo dõi hoạt động chuyển giao vũ khí, cho biết chỉ có 0,6/100 người Nhật Bản sở hữu súng. Trong khi đó, con số này ở Anh là 6,2 còn ở Mỹ là 88,8. Cảnh sát cũng hiếm khi sử dụng tới súng trong các hoạt động truy quét tội phạm hoặc đảm bảo an ninh.
Chính bởi thế, quốc gia 127 triệu dân chỉ ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì súng trong năm 2019, tức 0,02/100.000 dân. Tổng số lượng súng được tư nhân sở hữu là 310.400 khẩu với tỷ lệ sở hữu súng trên 100 người là 0,256. Tuy nhiên, chỉ có 777 khẩu súng ngắn nằm trong phạm vi sở hữu của tư nhân. Số chủ sở hữu được cấp phép là 196.518. Tỷ lệ sở hữu súng/100 dân chỉ là 0,16.
Số ca tử vong vì súng ở Nhật Bản trong năm 2016 là 25, giảm xuống 23 vào năm 2017, 9 vào năm 2018 và chỉ còn 3 vào năm 2019. Để so sánh, năm 2019, Mỹ có 37.038 trường hợp tử vong vì súng còn Ấn Độ có tới 14.710 trường hợp trong năm 2019.
Cú sốc toàn diện
Các vụ tấn công nhằm vào các chính trị gia là cực hiếm ở Nhật Bản. Trong nửa thế kỷ qua, chỉ có một vài vụ đơn lẻ. Trước khi ông Shinzo Abe bị ám sát, người ta thường chỉ nhớ đến vụ việc một thị trưởng ở Nagasaki bị xã hội đen bắn chết vào năm 2007. Vụ ám sát đã khiến Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các quy định về sở hữu súng đạn.
Việc một yếu nhân tầm cỡ như ông Shinzo Abe bị ám sát cũng là điều mà gần 90 năm qua người Nhật chưa từng phải chứng kiến. Sự kiện gần nhất xảy ra năm 1936 trong thời kỳ chủ nghĩa quân phiệt lên ngôi ở Nhật Bản.
Trong khi đó, ông Shinzo Abe là người nắm giữ nhiều kỷ lục trên chính trường Nhật Bản. Ông từng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất khi nhậm chức tháng 9/2006 dù phải từ chức đúng 1 năm sau vì lý do sức khỏe. Trở lại cương vị này tháng 12/2012, ông Abe chèo lái nền kinh tế Nhật Bản cho tới khi từ chức tháng 9/2020 cũng vì lý do sức khỏe.
Lúc sinh thời, ông Abe ủng hộ những cải cách kinh tế đầy tham vọng và tạo dựng các mối quan hệ ngoại giao thận trọng với các nước lớn. Thậm chí, ông Abe còn được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản, vốn gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng từ thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 sau nhiều thập niên trì trệ.
"Đây là một cú sốc với tất cả mọi người, đặc biệt là khi xét đến vai trò quan trọng của cố Thủ tướng Abe", Giáo sư Benoit Hardy-Chartrand nói và mô tả ông Abe là một trong những chính trị gia quan trọng nhất của Nhật Bản thời hậu chiến.
Linh Anh