(Tổ Quốc) - Theo nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới Vitol, Mỹ có thể cho phép dầu Iran xuất hiện nhiều hơn trên thị trường toàn cầu ngay cả khi quốc gia này vẫn đang bị Mỹ trừng phạt.
Dầu Iran bất ngờ quan trọng với Chính quyền Joe Biden
Sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 khiến mỗi quan hệ giữa Iran và Mỹ đi xuống trầm trọng. Cùng với đó, Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, trong đó có dầu thô. Ở thời điểm hiện tại, các bên đang cũng đẩy nhanh tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân mới để từ đó có thể giảm bớt các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Tehran.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ tháng 3. Các nhà giao dịch trên thị trường dầu mỏ ngày càng bi quan trước việc các nhà đam phán có thể đạt được một thỏa thuận.
Dẫu vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể vẫn quyết định rằng nhu cầu giảm giá, vốn đang ở mức kỷ lục, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới là quan trọng hơn so với việc thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt, bao gồm cả bắt giữ thêm các tàu chở dầu của Iran.
Mike Muller, người đứng đầu bộ phận châu Á của Vitol, nhận định: "Chú Sam có thể cho phép dòng chảy của loại dầu này nhiều hơn một chút. Nếu giai đoạn bầu cử giữa nhiệm kỳ bị chi phối bởi nhu cầu giảm giá xăng, dầu của Mỹ, thì việc nhắm mắt làm ngơ cho phép những thùng dầu bị trừng phạt chảy ra thị trường không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Mỹ có thể sẽ can thiệp khá hời hợt với dòng chảy của loại dầu này".
Tháng trước, Mỹ đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Iran ngoài khơi Hy Lạp. Sau đó vài ngày, Tehran bắt giữ 2 tàu chở dầu của Hy Lạp ở vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, động thái này của Washington không báo hiệu cho việc gia tăng các vụ bắt giữ nhằm vào dầu của Iran.
Iran đã tăng sản lượng dầu xuất khẩu trong năm nay, hầu hết trong số đó có đích đến Trung Quốc. Theo các nhà phân tích năng lượng, một thỏa thuận hạt nhân mới có thể giúp Tehran tăng thêm 500.000 đến 1 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày cho thị trường toàn cầu. Lượng dầu này đủ để hạ nhiệt đà tăng giá, vốn đang không ngừng nghỉ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.
Ngoài ra, Iran được cho đang sở hữu khoảng 100 triệu thùng dầu dự trữ, có thể bơm ra thị trường một cách nhanh chóng.
Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu thô đã tăng gấp rưỡi lên 120 USD/thùng, chủ yếu liên quan tới xung đột Nga – Ukraine. Trong khi nhiều Nghị sĩ Cộng hòa và cả Dân chủ phản đối bất cứ kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt nào với Iran, Chính quyền ông Biden lại đang phải đối mặt với nhiều áp lực nhằm làm giảm giá xăng, vốn đã tăng trung bình hơn 4,8 USD/gallon ở Mỹ.
Về phần mình, Mỹ vẫn liên tiếp gây sức ép nhằm và Nga và cả dầu thô của nước này. Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga sau khi xung đột nổ ra. Hiện tại, nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ cũng đã trực tiếp nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga với các vòng trừng phạt liên tiếp.
Những bất đồng chưa bao giờ lớn đến vậy
Theo Vitol, công ty giao dịch 7,6 triệu thùng dầu thô và tinh chế mỗi ngày vào năm 2021, có rất ít sự đồng thuận về hướng đi của giá dầu. Trong khi nguồn cung khan hiếm, việc Washington giải phóng dầu dự trữ chiến lược đang giúp giữ thị trường cân bằng hơn.
Trong khi đó, Muller thì nói rằng quyết định đẩy mạnh sản lượng khai thác được OPEC , một nhóm 23 nhà xuất khẩu dầu do Ả rập Xê út và Nga dẫn đầu, đưa ra hôm 2/6 khó có thể mang đến nhiều tác động. Ngay cả khi nhiều nước thành viên đồng ý gia tăng sản lượng, họ cũng chỉ có thể bù được phần sụt giảm mà Moscow để lại vì các vấn đề liên quan tới xung đột Ukraine.
"Chưa bao giờ, sự đồng thuận của các chuyên gia lại cách xa nhau đến thế. Có những người nghĩ rằng dầu có thể lên tới 135-140 USD/thùng nhưng cũng có người cho rằng giá dầu có thể giảm xuống dưới 100 USD", Muller nói.
Trong khi đó, sự chia rẽ giữa nhu cầu và thực lực của các quốc gia trên toàn thế giới cũng rất khác nhau. Một số nước châu Á, chẳng hạn như Malaysia và Singapore, đang có nhu cầu lớn hơn với dầu khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau khi đại dịch gần như đã không còn đe dọa. Tuy nhiên, cũng có những nước khác, chẳng hạn như Pakistan hay Sri Lanka – vốn vừa vỡ nợ trái phiếu quốc tế và đang phải vật lộn để trả tiền nhập khẩu nhiên liệu, rõ ràng nhu cầu suy giảm nghiêm trọng.
"Đó là câu chuyện về hai thế giới. Thế giới giàu có sẽ có những ngày nghỉ, cùng với nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, khiến họ cần thêm nhiên liệu cho các chuyến bay.... Tuy nhiên, cũng có những nơi khác mà tác động sâu sắc hơn nhiều. Sự chênh lệch giữa các quốc gia thịnh vượng với những nước gặp nhiều khó khăn ngay cả trong việc thanh toán các loại hàng hóa cơ bản đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng".
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh