Sẽ chẳng còn tỷ phú nào dám đầu tư vào ngành hàng không?

(Tổ Quốc) - Tỷ phú Richard Branson đã phải mất 200 triệu bảng (250 triệu USD) để giải cứu hãng hàng không Virgin Atlantic của mình.

Số tiền này là ví dụ mới nhất về khả năng "đốt tiền" chưa biết đến khi nào mới kết thúc của ngành hàng không, mặc dù tỷ phú người Anh có thể không ngạc nhiên, khi từng nói rằng: "Một nếu bạn muốn trở thành triệu phú, hãy bắt đầu bằng một tỷ USD và ra mắt một hãng hàng không mới".

Doanh nghiệp hàng không từ lâu đã tỏ ra là khoản đầu tư "không thể cưỡng lại được" đối với một nhóm các ông trùm tài phiệt. Từ tỷ phú Tony Fernandes của tập đoàn AirAsia, đến người sáng lập JetBlue Airways, David Neeleman, và một số doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới, tất cả đều tạo dựng tài sản của mình nhờ công việc vận chuyển người và hàng hóa trên bầu trời. Tuy nhiên, với việc di chuyển bằng đường hàng không bị thu hẹp trong quá trình phong tỏa, virus corona đã đánh bại cả những hãng lâu nay vẫn tỏ ra "cứng cựa" với sự biến động và lợi nhuận ít ỏi của ngành công nghiệp đòi hỏi vốn lớn này.

Giá trị thị trường của 10 hãng hàng không lớn có gắn với tên tuổi các ông trùm nổi tiếng trong chỉ số tỷ phú của Bloomberg đã giảm tới 14 tỷ USD kể từ đầu năm nay.

Cuộc khủng hoảng đã biến nhiều nhà đầu tư danh tiếng thành nạn nhân. Chẳng hạn, đầu năm nay, Warren Buffett đã khép lại một vụ đặt cược thua lỗ vào bốn hãng hàng không lớn của Mỹ, khi thừa nhận rằng khoản đầu tư đó đã khiến cho Berkshire Hathaway mất tiền. Đó là lần thứ hai ông đầu tư vào hàng không sau khi hứa không đụng tới ngành này trước đó.

Tập đoàn Latam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh, mà gia tộc Cueto của Chile là một cổ đông, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York. Trước đó, hồi tháng 3, Neeleman, người sáng lập các hãng JetBlue, WestJet Airlines đã bán hơn 80% cổ phần ưa thích của mình trong hãng hàng không Azul SA của Brazil.

Cuộc khủng hoảng cũng đã phơi bày các vấn đề về cấu trúc hoặc căng thẳng âm ỉ lâu nay. Khối nợ của Norwegian Air Shuttle đã buộc họ phải tái cấu trúc. Hãng hàng không giá rẻ này, được đồng sáng lập bởi Bjorn Kos, một cựu phi công chiến đấu, từng thách thức những người khổng lồ như British Airways trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương, hiện vẫn còn ngập trong nợ nần và cảnh báo có thể sẽ cần huy động thêm vốn.

Hãng hàng không giá rẻ EasyJet của châu Âu cũng đã phải đối mặt với xung đột nội bộ. Người sáng lập và cổ đông lớn nhất của hãng, Stelios Haji-Ioannou, đã có một nỗ lực thất bại trong việc lật đổ ban điều hành và ngăn chặn việc mua máy bay Airbus mà ông cho rằng hãng này không cần cũng như không đủ khả năng.

Trong khi đó, xung đột gia đình thực sự đã "giúp" bảo vệ gia tộc Cho của Hàn Quốc, những người đang nắm giữ Hanjin Kal, công ty sở hữu cổ phần ở Korean Airlines và Jin Air. Cổ phiếu của Hanjin Kal đã tăng 143% trong năm 2020 vì một cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty.

Có thể ngành hàng không sẽ phục hồi đủ nhanh để không còn thua lỗ. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại bắt đầu tăng lên, thúc đẩy hy vọng rằng sự căng thẳng đối với các hãng hàng không đang gặp khó khăn sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, trở lại được trang thái kinh doanh bình thường như trước đây vẫn còn là điều xa vời. Delta Airlines đã cắt giảm kế hoạch khôi phục một số dịch vụ sau khi số ca nhiễm virus corona ở Mỹ tái bùng phát khiến sự phục hồi mới xuất hiện trong nhu cầu đi lại tiếp tục bị giảm xuống. Ngay cả với việc tái cấu trúc, Virgin Atlantic cho biết trong một tuyên bố rằng họ chỉ mong có lợi nhuận trở lại từ năm 2022.

Tham khảo: Fortune.com

Lê Thanh Hải

Tin mới