(Tổ Quốc) - Sự việc của Yongcheng bị các nhà đầu tư coi là 1 hồi chuông cảnh tỉnh bởi vì nó đã đạp đổ quy tắc đã được duy trì lâu nay. Đó là quy tắc quyết định tập đoàn nào sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và tập đoàn như thế nào thì sẽ được cho phép vỡ nợ.
Các công ty xếp hạng tín dụng của Trung Quốc không hề giấu giếm sự thiên vị dành cho các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước hậu thuẫn. Trong báo cáo mới nhất hôm 10/10 của công ty xếp hạng CCXI , số trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 152 triệu USD) của Yongcheng Coal and Electricity vẫn được xếp hạng ở mức AAA.
Thế nhưng 1 tháng sau Yongcheng đã vỡ nợ. Vụ việc khiến thị trường trái phiếu quy mô 14.000 tỷ USD của Trung Quốc dậy sóng. 3 ngày sau đó công ty đã thanh toán ngay số tiền lãi quá hạn, nhưng trước đó các nhà đầu tư đã ồ ạt bán tháo các chứng khoán nợ có liên quan đến tỉnh Hà Nam nơi Yongcheng đặt trụ sở dù số chứng khoán này được nhà nước hậu thuẫn. 1 tập đoàn quốc doanh có xếp hạng AAA vỡ nợ là 1 tin tức chấn động, khiến các kế hoạch phát hành nợ có giá trị ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ đã bị ngừng lại trong tuần sau đó bởi lợi suất tăng vọt.
Nỗi lo lớn đến mức 1 công ty quốc doanh lớn ở tỉnh lân cận Sơn Tây đã buộc phải đưa ra thông báo bất thường vào ngày 14/11, cam kết với các nhà đầu tư rằng những công ty mà chính quyền tỉnh nắm quyền kiểm soát sẽ không thể vỡ nợ. "Điều đặc biệt là vụ này hoàn toàn bất ngờ", Charles Chang, chuyên gia của S&P nói.
Sự hoảng loạn của nhà đầu tư chỉ tập trung vào Yongcheng, nhưng có những dấu hiệu cho thấy rắc rối ở phạm vi rộng hơn. Huachen Automotive, công ty ô tô thuộc sở hữu của chính quyền 1 tỉnh ở phía Bắc, hôm 16/11 tuyên bố đang có kế hoạch tái cấu trúc sau khi vỡ nợ trái phiếu hồi tháng 10. Cùng ngày hôm đó, Tsinghua Unigroup, công ty công nghệ thuộc sở hữu của ĐH Thanh Hoa, cũng đã không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ tệ. 2 công ty này lần lượt có mức xếp hạng AAA và AA.
Việc các công ty quốc doanh có thể vỡ nợ không phải là điều ngạc nhiên. Yongcheng là một trong số 10 công ty đã vỡ nợ kể từ đầu năm đến nay. Các nhà quản lý nhận ra rằng họ không còn có thể giải cứu những công ty liên tục thua lỗ và hoạt động kém hiệu quả. Kể từ năm 2015 đã có một số doanh nghiệp quốc doanh quá yếu vỡ nợ và điều đó nằm trong kế hoạch lập lại kỷ luật trên thị trường tài chính của chính phủ Trung Quốc.
Các vụ vỡ nợ cũng giúp nhà đầu tư đánh giá rủi ro tốt hơn, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh. Với số vụ vỡ nợ tăng dần trong 3 năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài lại càng tin tưởng và rót lượng vốn kỷ lục vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Nhưng sự việc của Yongcheng bị các nhà đầu tư coi là 1 hồi chuông cảnh tỉnh bởi vì nó đã đạp đổ quy tắc đã được duy trì lâu nay. Đó là quy tắc quyết định tập đoàn nào sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và tập đoàn như thế nào thì sẽ được cho phép vỡ nợ. Công ty mẹ của Yongcheng là một trong những tập đoàn quốc doanh lớn nhất của Hà Nam và hoàn toàn thuộc sở hữu của cơ quan quản lý tài sản của tỉnh. Do đó đây là công ty rất uy tín và được coi là không thể đổ vỡ. Nhưng giờ thì điều đó không còn đúng nữa.
Trước đây quy mô cũng là yếu tố rất quan trọng. Các tập đoàn quốc doanh lớn rất có giá trị đối với các tỉnh thành bởi vì chúng đảm bảo hàng chục nghìn việc làm cho người dân. Chỉ riêng Huachen Automotive đã tuyển dụng hơn 40.000 nhân viên. Tái cấu trúc các tập đoàn như vậy sẽ đe doạ việc làm và sự ổn định xã hội, không những thế còn khiến chính quyền địa phương phải chịu rất nhiều rủi ro.
Tuy nhiên với những gì diễn ra vừa qua thì các quy tắc này đã thay đổi.
Trong bối cảnh mới, nhà đầu tư và các công ty xếp hạng tín dụng sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn về các công ty quốc doanh thay vì chỉ dựa vào "ô dù" mà họ dựa vào. S&P dự báo sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa xảy ra với các tập đoàn từng được coi là bất khả xâm phạm. Theo Zhu Ning, giáo sư tại Shanghai Advanced Institute of Finance, thậm chí cơ quan quản lý còn có thể tung ra chiến dịch kỷ luật các hang xếp hạng tín dụng để họ nâng cao chất lượng xếp hạng.
Tham khảo The Economist
Thu Hương