(Tổ Quốc) -Các tỷ phú giàu lên nhờ Covid-19 "nghèo đi" nhanh chóng khi đại dịch qua đi.
Đã từng có một khoảng thời gian rất nhiều người mặc quần nỉ và gọi Zoom cho khách hàng, mua một chiếc BMW đã qua sử dụng trên Carvana.com và tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên là Pfizer sau đó là Mordena.
Trong vòng chưa đầy 3 năm, Covid-19 đã thay đổi mọi thứ từ cách chúng ta sống, làm việc, vui chơi cho đến giáo dịch con cái. Và một điều dễ thấy khác đó là, nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ đại dịch và cũng chứng kiến giá trị tài sản lao dốc ngay khi đại dịch qua đi.
Việc Moderna cho ra mắt vắc-xin Covid-19 đã đẩy giá trị tài sản ròng của nhà khoa học Stephane Bancel lên 15 tỷ USD khi cổ phiếu tăng gần 2.400%. Trong khi đó, ông chủ của Zoom Eric Yuan - từng bị từ chối visa Mỹ tới 8 lần, chứng kiến tài sản tăng lên 28 tỷ USD khi Zoom Video Communications trở thành công cụ họp trực tuyến phổ biến. Ngoài ra, 2 cha con sáng lập sàn mua bán ô tô đã qua sử dụng Carvana cũng tích luỹ được 32 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao.
Những người đàn ông này thuộc nhóm 58 tỷ phú sở hữu khối tài sản tăng với cấp số nhân nhờ những thay đổi do Covid-19 gây ra và cả tiền rẻ. Tuy nhiên, sự giàu có của họ cũng nhanh chóng bị xoay chuyển. Theo Bloomberg, họ là "tượng đài" cho một thời kỳ kỳ lạ của thị trường tài chính vốn tạo ra nhiều người siêu giàu và khiến nhiều người khác rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Đối với Kim Forrest - nhà sáng lập công ty đầu tư Bokeh Capital Partners, việc một loạt công ty hưởng lợi từ những đơn đặt hàng về nhà giống như những gì từng xảy ra trong thời kỳ bong bóng công nghệ cách đây 2 thập kỷ.
Nhóm tỷ phú này cũng bao gồm những cái tên nổi tiếng nhất, họ được hưởng lợi từ những gói kích thích tài chính và lãi suất toàn cầu thấp kỷ lục: Elon Musk đã trở thành người giàu nhất thế giới; Masayoshi Son với những khoản đầu tư công nghệ tăng mạnh nhờ đòn bẩy và tỷ phú đầu tư Sam Bankman-Fried.
Tuy nhiên, không một ai trong số nhóm siêu giàu này có thể tránh được những tác động từ việc một loạt NHTW trên thế giới tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Chỉ số MSCI All-Country World đã giảm khoảng 25% trong năm nay.
Những người giàu lên nhờ đại dịch này đã chứng kiến tài sản lao dốc mạnh và không khác gì những tập phim "vang bóng một thời" như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và Đại suy thoái. Dưới đây là một số cái tên đáng chú ý:
Stephane Bancel
CEO Moderna
Bancel sinh ra ở Pháp, ông là nhà khoa học và cũng là nhà đầu tư làm việc trong phòng thí nghiệm ở Cambridge, Massachusetts. Covid-19 đã thay đổi cuộc đời và quỹ đạo hoạt động của công ty sinh học mà ông sở hữu đó là Moderna.
Người đàn ông 50 tuổi này đã trở thành tỷ phú vào đầu năm 2020 khi công nghệ vắc-xin mRNA của ông có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Đến tháng 8 năm ngoái, hàng trăm triệu người đã được tiêm vắc-xin và cổ phiếu Morderna tăng kỷ lục và Bancel sở hữu 15 tỷ USD. Tuy nhiên, khi biến chủng Omicron có thể "né" vắc-xin thì nhiều người lại trở nên hoài nghi và nhu cầu tiêm cũng giảm dần. Từ đó, cổ phiếu và giá trị tài sản của Bancel sụt giảm.
Eric Yuan
Chủ tịch và CEO của Zoom
Yuan thành lập Zoom vào năm 2011 với ý tưởng từ những lần di chuyển liên tục 10 tiếng đồng hồ để gặp bạn gái - hiện là vợ ông, khi họ còn là sinh viên. Năm 2017, giá trị của Zoom đạt 1 tỷ USD và khi cả thế giới dùng Zoom cho những cuộc họp, giá trị tài sản của Yuan lên tới gần 29 tỷ USD.
Giờ đây, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và sự cạnh tranh gia tăng, thì hoạt động của Zoom cũng kém khởi sắc hơn. Yuan đã quyên góp khoảng 1/3 số tài sản trong Zoom của ông vào năm ngoái và thu về hơn 2,6 tỷ USD sau khi bán cổ phiếu kể từ đầu năm 2020.
Forrest Li
Chủ tịch và CEO của Sea
Tỷ phú Li nhanh chóng trở thành người giàu nhất Singapore vào năm ngoái khi tài sản của ông tăng lên gần 22 tỷ USD, trong bối cảnh người tiêu dùng phải ở trong nhà và mua sắm trực tuyến, chơi game. Đối với một trong những "ngôi sao sáng" nhất của TTCK châu Á, việc cổ phiếu của Sea sụt giá mạnh sau khi tăng 2.300% từ năm 2017 đến 2021 là một cú sốc. Nhà đầu tư cũng lo ngại khi có thông tin cho rằng Tencent - công ty hậu thuẫn lớn nhất của Sea, bán cổ phần và Ấn Độ cấm sóng trò chơi phổ biến nhất của công ty.
Giờ đây, khi người tiêu dùng giảm chi tiêu khi lãi suất và lạm phát tăng cao, Sea phải cắt giảm nhân sự và ban lãnh đạo cũng giảm lương để hạn chế các khoản lỗ cùng lúc trấn an nhà đầu tư.
Trong số 58 "tỷ phú Covid" được Bloomberg lập danh sách, 26 người có quốc tịch châu Á, 18 người đến từ Mỹ và Canada, 10 người từ châu Âu. Các doanh nghiệp của họ hoạt động trong 7 lĩnh vực. Hơn 1 nửa trong số đó có liên quan đến thói quen ở nhà, làm việc từ xa hoặc thương mại điện tử, 1/3 liên kết với các doanh nghiệp ngành dược phẩm và y tế, sản xuất mọi thứ từ vắc-xin đến máy thở. Khi đại dịch qua đi, khối tài sản của các tỷ phú này đã giảm trung bình 58% so với thời kỳ hoàng kim.
Tham khảo Bloomberg
Vu Lam