(Tổ Quốc) - Có được cơ hội làm việc trong ngành tài chính hay ngân hàng đầu tư là mơ ước đối với rất nhiều cử nhân ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng gây ra những tranh cãi.
Trong những năm gần đây, các công ty tư vấn nghề nghiệp mọc lên như nấm, tận dụng việc họ nằm trong số hàng nghìn chuyên gia tài chính đang giúp mở rộng cánh cửa cho những sinh viên "có điều kiện". Các công ty đang tính phí từ 12.000 USD trở lên đế giúp các sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc tại những ngân hàng lớn ở Phố Wall như Goldman Sachs hay Citigroup.
Các chương trình này lên kế hoạch về "hướng đi nội bộ" cho các sinh viên, bằng cách giúp họ làm việc cùng các banker để nhận được sự trợ giúp về chiến lược, giao lưu, viết thư giới thiệu và thậm chí là giới thiệu cho nội bộ. Thậm chí, nhóm sinh viên còn có thể được nhận làm ở những nơi ngân hàng lớn từ Thượng Hải cho đến New York.
Ngoài ra, dịch vụ này cũng nhắm mục tiêu đến Citadel và các quỹ phòng hộ khác, cùng các nhà tư vấn lớn như McKinsey & Co. và các công ty lớn trong nước như Citic Securities Co.
Dịch vụ này hiện đang nhận được nhiều sự chú ý, nhất là đối với những người đang đặt câu hỏi rằng liệu việc tạo cơ hội cho người giàu có thực sự là công bằng hay tốt cho ngành này hay không. Một mối lo ngại khác là vấn đề "chạy tiền" vào các ngân hàng.
Sean Wang – một cựu nhân viên ngân hàng cấp cao và tác giả của cuốn sách "Làm thế nào để trở thành một banker ngân hàng đầu tư", cho biết: "Dịch vụ trên làm dấy lên câu hỏi về tính công bằng. Nếu bạn trả tiền để nhờ người khác viết thư xin việc hay đỗ vòng phỏng vấn đầu tiên, thì liệu việc này có công bằng đối với những người đi xin việc bình thường hoặc không có đủ tiền mua những ‘gói’ như vậy hay không."
Vấn đề cạnh tranh trong khi tìm việc diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng quốc tế và địa phương đẩy mạnh tuyển dụng ở Trung Quốc, ở thời điểm quốc gia này mở cửa thị trường tài chính. Ví dụ, Goldman Sachs, UBS và Credit Suisse đều đang tìm cách tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lực lượng lao động để cung cấp dịch vụ cho giới nhà giàu ở Trung Quốc.
Yếu tố thúc đẩy đó càng tạo khó khăn cho thị trường việc làm vốn đã quá đông đúc. Theo trang web tuyển dụng Zhaopin.com, do ảnh hưởng của đại dịch, tỷ lệ mở cửa trong lĩnh vực tài chính giảm 12% vào năm 2020, khi ứng viên tìm việc trong các quỹ tín thác, công ty chứng khoán hay quỹ phải cạnh tranh với 40 người khác cho mỗi vị trí.
Thị trường việc làm ở Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với 9,1 triệu sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay. Số lượng cử nhân ngày càng tăng mạnh, khi hàng loạt du học sinh phải trở về nước do căng thẳng với phương Tây gia tăng và quốc gia này đã kiểm soát được dịch bệnh.
Đương nhiên, việc đào tạo và tư vấn việc làm không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Dịch vụ này còn là một lĩnh vực kinh doanh lớn ở Mỹ, với giá trị ngành đạt hơn 16 tỷ USD vào năm ngoái, theo IBISworld. Các công ty Mỹ cũng đang quảng cáo rằng họ mời các chuyên gia tài chính làm cố vấn. Wall Street Oasis cho biết họ có hơn 1.000 chuyên gia, cung cấp các gói có giá từ 79 đến 1.390 USD.
Trong khi đó, DreambigCareer tại Thành Đô – thành lập năm 2013 và hỗ trợ học sinh Trung Quốc đi du học, đã có 4.000 khách hàng vào năm ngoái, tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua, theo Joseph Guo – đồng sáng lập và cựu banker tại Credit Suisse.
Guo cho biết, công ty này cung cấp chương tình có tên Blackbelt – chủ yếu bán cho sinh viên năm nhất và năm 2 đại học, để tham gia một kỳ thực tập. Họ cung cấp hơn 100 giờ đào tạo và mỗi sinh viên có từ 4-5 người cố vấn. Các buổi học chủ yếu là trực tuyến. Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ là cố vấn viên ở London đã đưa sinh viên đi uống nước để kết nối với mọi người. Giá dịch vụ ở DreambigCarreer dao động từ vài trăm đến hơn 10.000 USD. Đây là mức thấp trong ngành.
Guo cho biết, dịch vụ này không tạo lợi thế không công bằng. Thay vào đó, sự cạnh tranh là lành mạnh, họ giúp sinh viên Trung Quốc có cơ hội làm việc tại các ngân hàng nước ngoài. Theo ông, họ đã giúp các sinh viên nhận được hơn 6.000 lời mời từ các công ty tài chính lớn. Vị này cho hay, các cố vấn viên đều được xác minh 100% và thường có thể kiếm được từ 100 USD/giờ trở lên.
Theo các sinh viên và thông tin trong ngành, Wall Street Tequila là công ty có phí dịch vụ cao nhất. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải thông báo trên WeChat rằng họ đã giúp hơn 3.000 sinh viên nhận được công việc với đề nghị trả lương 1 triệu tệ (152.680 USD) trong 7 năm qua. Theo Jerry Sun – cựu nhà phân tích của JPMorgan, công ty này đã đào tạo hơn 1 nửa số nhân sự người Trung Quốc vào làm việc tại 9 ngân hàng hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2015-2017.
Sự cạnh tranh cũng tạo ra những chiến thuật đầy "u tối". Theo Bloomberg, một nhà tư vấn tại Accenture cho biết họ đã nhiều lận được các công ty dịch vụ mời chào trên LinkedIn. Thậm chí, có công ty còn hứa chi trả ít nhất 1.500 USD để ông viết thư giới thiệu thực tập.
Tuy nhiên, Wang – cựu banker, cho biết: "Khi đã vào ngành này và làm việc đủ lâu, bạn sẽ thấy ngân hàng đầu tư không phải lĩnh vực quá khó. Đây không phải là khoa học vũ trụ, không đòi hỏi kỹ năng xuất sắc. Mà cái họ cần là giá trị bạn mang lại trong một chặn đường dài."
Tham khảo Bloomberg
Lục Lam